Sống ở chung cư - dễ hay khó…?

Sống ở chung cư - dễ hay khó…?

Đến thời điểm này, TPHCM đã xây mới 76 chung cư. Các chung cư đã thu hút hàng ngàn hộ dân vào ở, nhưng cách quản lý vẫn còn nhiều điều đáng nói và không ít hộ dân phải… dở khóc dở cười. Theo bạn, một chung cư tốt phải như thế nào?

Thông tin tham khảo:

Chung cư: “Cha chung không ai khóc!”

Ông Đặng Ngọc Thanh, tổ trưởng dân phố, nhà số 406 lô C2 phường 7 quận 11, cho biết lúc chuyển về chung cư mới, nhiều phiền toái xảy ra: hành lang thành nơi tụ tập hút chích của đám thanh niên lêu lổng; hộ ở tầng trên nói chuyện quá to; máy giặt chạy vào đêm khuya quá ồn... Tại chung cư 143-3B Ung Văn Khiêm (phường 25 quận Bình Thạnh) chỉ có 54 căn hộ nhưng không ít lần xảy ra cãi vã nhau vì chuyện… 2 con mèo của một hộ cứ “ị” bậy, bà con đã góp ý nhưng chủ hộ này vẫn… “vô tư”.

Sống ở chung cư - dễ hay khó…? ảnh 1

Lô C chung cư Ngô Tất Tố (Bình Thạnh) quy mô cao tầng, hiện đại, nhưng giá nước sinh hoạt quá cao.

Cách quản lý “cha chung không ai khóc” đã gây nhiều phiền toái cho người dân. Chung cư Ngô Tất Tố (phường 19 quận Bình Thạnh) vừa được xây dựng khang trang, hiện đại, thế nhưng… Chị Đỗ Thị Hương Duyên ở căn hộ số 0207 lô C, than: “Sống ở chung cư này sạch sẽ nhưng quá tốn kém, trăm thứ tiền đều đổ lên đầu người dân”. Những tháng trước, Ban quản lý chung cư thông báo nước sinh hoạt thất thoát 15%, rồi 20%.

Đối với mức nước bị thất thoát này, người dân phải trả bình quân 5 - 6 ngàn đồng/m3. Nhiều người phản ứng nhưng cuối cùng vẫn phải đóng tiền vì không ai muốn bị cúp nước. Chưa hết, đến kỳ 2 và 3-2005, BQL thông báo tiếp: Lượng nước thất thoát 32% rồi 46%, giá nước mỗi khối lên đến gần 10 ngàn đồng. Tính ra, riêng tiền nước lần này, mỗi gia đình phải chi vài trăm ngàn đồng.

Tập thể các hộ dân sống tại lô A chung cư Quốc Thanh (phường Nguyễn Cư Trinh quận 1) cho biết, do chưa có đồng hồ nước riêng cho mỗi hộ nên tiền nước hàng tháng chia đều cho mỗi hộ là 272.000 đồng/tháng. Nhiều hộ không đồng tình cách tính này nên lại phải chia đều theo đầu người và như vậy có hộ phải “gánh” 700 - 800 ngàn đồng tiền nước sinh hoạt.

  • Quản lý chuyên nghiệp - tại sao không?

Chung cư mọc lên ồ ạt, người dân vào chung cư ở càng đông nhưng cách quản lý chung cư mỗi nơi mỗi khác. Việc quản lý không chuyên nghiệp đã dẫn đến nhiều hậu quả. Người dân ở chung cư Ngô Tất Tố nhiều lần góp ý về việc BQL dùng nước máy để tưới cây trong khi thành phố đang thiếu nước, thế nhưng, do chủ nhiệm BQL chung cư là… chủ tịch UBND phường nên dân góp thì cứ góp, nước vẫn cứ xả để tưới cây. Anh Nguyễn Lương Hải, cán bộ Công ty TNXP cho biết, công ty là nhà đầu tư chỉ làm công việc thu tiền còn việc quản lý là do phường.

Theo ông Đặng Ngọc Thanh, tổ trưởng dân phố chung cư C2 ở phường 7 quận 11, chung cư cần có bộ máy quản lý chuyên nghiệp để tổ chức việc phục vụ. Để làm được việc này, ngoài vấn đề nâng cao ý thức của người dân, cần có kinh phí do người dân đóng góp để tổ chức các hoạt động ở chung cư. Thế nhưng, phần lớn người dân sống ở chung cư đều có thu nhập thấp.

Ông Thanh phân trần: “Gia đình tôi ngoài tiền thuê nhà mỗi tháng là 250 ngàn đồng, các loại chi phí khác như gửi xe, tiền điện, nước, thang máy… tổng cộng trên 1 triệu đồng. Đối với những gia đình mua nhà trả góp, mỗi tháng từ 800 ngàn đến 1,9 - 2 triệu đồng thì quả là quá sức. Đến nay 70% hộ dân tái định cư đã sang nhượng đi nơi khác. Người mới đến ở, việc quản lý lại càng khó khăn hơn”.

Trong khi đó, anh Hoàng Vũ Long ở căn hộ B2 khu Hưng Vượng 2 đô thị Phú Mỹ Hưng cho biết, sống ở đây “là an tâm về an ninh cũng như các vấn đề sinh hoạt khác”. Bởi lẽ, từ việc gác cổng, làm vệ sinh đến quản lý môi trường đều có những nhân viên chuyên nghiệp thực hiện. Khi môi trường sống được phục vụ chu đáo thì phí dịch vụ lại cao và chỉ phù hợp với các chung cư cao cấp.

Còn đối với các chung cư mà cư dân là các hộ thu nhập thấp thì sao? Bài toán nâng cao chất lượng sống cho người dân ở chung cư này vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ…  

TRẦN YÊN

Sau đây là ý kiến của bạn đọc:

victorhoang@sbcglobal.net

Theo thiển ý của cá nhân, một chung cư có sạch đẹp, an ninh, trật tự, văn minh hay không đều là do ý thức con người quyết định.

Thực trạng ở một số chung cư chưa tốt như hiện nay cũng là do ý thức mà ra. Vì thế, ở các chung cư cần có những quy định nghiêm khắc về số người ở, dựa theo diện tích nhà ở.

Nên có văn phòng quản lý chung cư, thường xuyên có nhân viên trực. Mỗi hộ dân sống ở chung cư phải đóng lệ phí quản lý chung cư hàng tháng để có kinh phí trả cho những nhân viên làm việc này.

Cần có mức phạt bằng tiền đối với những người cố tình vi phạm nội quy chung cư, xả rác bừa bãi làm mất vẻ mỹ quan chung cư...

naidonna@yahoo.com

Để sinh hoạt ở khu chung cư được tốt, theo tôi, cần phải làm những việc sau:

1/ Thành lập Ban quản trị chung cư (là những cư dân sống trong đó).

2/ Ban hành nội quy chung cư, buộc mọi người phải cam kết thực hiện.

3/ Lập quỹ bảo vệ chung cư, hàng tháng mỗi hộ dân phải đóng góp. Quỹ này dùng để chỉnh tu mỹ quan chung cư, làm vệ sinh công cộng, sửa chữa phần chung... Phần trong nhà, các hộ phải tự lo.

4/ Hàng tháng, các hộ cư ngụ tại chung cư phải dự họp một lần, theo hình thức sinh hoạt tổ dân phố để lấy ý kiến góp ý của nhân dân về những mặt được, chưa được trong sinh hoạt, đời sống của các hộ dân...

Điều quan trọng nhất là phải tạo sự đoàn kết nhất trí trong mọi sinh hoạt, mọi người cùng thương yêu, giúp đỡ nhau trên tinh thần "tình làng nghĩa xóm".

Mời bạn tiếp tục tham gia thảo luận!

Tin cùng chuyên mục