Sông rạch cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đô thị

Sau khi TPHCM đưa vào sử dụng Công viên Bến Bạch Đằng, dư luận xã hội một mặt hết sức hoan nghênh, mặt khác cũng đòi hỏi cần phải tiếp tục chỉnh trang và bảo tồn các yếu tố lịch sử (từ ngày 18-2 đến nay, Báo SGGP liên tục đăng các bài viết của các chuyên gia, người dân...). Phóng viên Báo SGGP  đã có cuộc trao đổi với ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM, xung quanh vấn đề này.
Ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc

Phóng viên: Thưa ông, vừa qua có rất nhiều góp ý của người dân, các chuyên gia liên quan đến việc chỉnh trang Công viên Bến Bạch Đằng. Quan điểm của Sở QH-KT TPHCM như thế nào?

Ông TRƯƠNG TRUNG KIÊN: Chúng tôi rất vui mừng vì được sự quan tâm đóng góp ý kiến của đông đảo người dân. Tuy nhiên, bờ sông Sài Gòn, tại khu vực này có vị trí rất quan trọng đối với TP, theo quy hoạch có rất nhiều hạng mục khác nhau, nên không thể triển khai ngay tất cả các hạng mục trong thời gian ngắn. Hiện nay đang thực hiện là những hạng mục đầu tiên, kết quả như vậy là rất khả quan.

Căn cứ theo đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TPHCM (930ha), việc chỉnh trang khu vực Công viên Bến Bạch Đằng quận 1 sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, cải tạo chỉnh trang khu vực Bến Bạch Đằng và bảo tồn cột cờ Thủ Ngữ, đến nay đã thực hiện cơ bản. Giai đoạn 2 sẽ cải tạo chỉnh trang, ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng. Giai đoạn 3 sẽ bố trí các khu đậu xe và thương mại ngầm ở khu vực Công trường Mê Linh. Hiện nay, các công tác đang thực hiện là những bước đầu tiên của giai đoạn 1. Trong tương lai, khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, đoạn đường Tôn Đức Thắng dọc Bến Bạch Đằng sẽ trở thành không gian đi bộ kết hợp với công viên bờ sông. Giao thông cơ giới sẽ đi ngầm tách biệt khỏi giao thông đi bộ, thực hiện đúng theo đồ án quy hoạch 930ha.  

Sông rạch cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đô thị ảnh 2 Một góc Công viên Bến Bạch Đằng (nhìn từ trên cao). Ảnh: QUỐC HÙNG

Bến Bạch Đằng là mặt tiền quan trọng về kiến trúc cảnh quan của trung tâm TP, là “trung tâm của trung tâm”. Có ý kiến cho rằng, tại sao TP không tổ chức thi ý tưởng thiết kế chọn giải pháp tốt nhất để triển khai?

Như đã nói ở trên, việc đang triển khai chỉnh trang được căn cứ trên đồ án quy hoạch phân khu khu trung tâm hiện hữu TP (930ha). Đồ án đã được thi tuyển quốc tế với sự tham gia của các đơn vị tư vấn hàng đầu Việt Nam và thế giới đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... và TP đã chọn được phương án phù hợp nhất kết hợp với những ý tưởng hay của các phương án khác để đưa vào thực hiện. Đồ án được thực hiện rất thận trọng, sau khi tổ chức thi ý tưởng, đã lấy ý kiến rộng rãi của người dân, chuyên gia và được TP thông qua.

Trên cơ sở đó, TP phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và Quy chế quản lý kiến trúc toàn bộ khu trung tâm hiện hữu TP, trong đó có những thiết kế minh họa cụ thể cho các khu vực quan trọng như Công viên Bến Bạch Đằng, đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ, Công viên 23-9… Hiện nay, trong quá trình thực hiện, đối với những hạng mục cụ thể hơn cũng có thể tiếp tục tổ chức các cuộc thi thiết kế tìm kiếm ý tưởng độc đáo, phù hợp.

Từ câu chuyện Công viên Bến Bạch Đằng, việc chỉnh trang hệ thống sông rạch trên địa bàn TP trong thời gian tới ra sao, thưa ông?

Hệ thống sông rạch đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của các đô thị có sông nước và TPHCM cũng vậy. Việc xem xét sự đóng góp của hệ thống sông rạch trong quá trình lập quy hoạch được quy định ngay từ bước đánh giá các điều kiện địa hình, tự nhiên.

Cụ thể, đối với TPHCM trong tất cả đồ án quy hoạch chung đều tính toán việc khai thác lợi thế của các tuyến sông, nhất là sông Sài Gòn. Đối với các đồ án quy hoạch phân khu đều có giải pháp bố trí cảnh quan, sử dụng đất dành cho công viên dọc theo các đoạn bờ sông, kênh rạch; trong Quy chế quản lý kiến trúc TPHCM vừa được UBND TP phê duyệt theo Luật Kiến trúc cũng xác định cụ thể khu vực dọc bờ sông Sài Gòn là khu vực cần quản lý đặc thù. Ngoài ra, TP đã phê duyệt Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM, giai đoạn 2020-2045”; Quyết định bảo vệ hành lang kênh rạch…

Đối với những khu vực bị sạt lở, TP đã và đang xây dựng kè tại rất nhiều địa điểm để bảo vệ bờ sông dọc theo sông Sài Gòn từ huyện Cần Giờ lên đến huyện Củ Chi. Tất cả dự án lớn dọc sông đều bố trí quỹ đất dành cho công viên cây xanh bờ sông. Nhìn chung, TP hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng của hệ thống sông rạch nói chung và sông Sài Gòn nói riêng đối với sự phát triển của TP, từ đó đã có những quy định, chính sách, các chương trình cụ thể vừa bảo vệ vừa đầu tư chỉnh trang các khu vực bờ sông để phục vụ cho cộng đồng, người dân đô thị.

Sông rạch cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đô thị ảnh 3 Người dân đi dạo ở Công viên Bến Bạch Đằng. Ảnh: QUỐC HÙNG
Tất cả đề án đều có nhưng việc hình thành các công viên dọc hai bên bờ sông Sài Gòn thực chất không nhiều và việc triển khai xây dựng có quá chậm so với mong muốn của người dân?
Nếu nói chậm thì phải so sánh với thời điểm nào, khối lượng công việc thực hiện nếu không sẽ là những nhận xét cảm tính. Nếu nhìn lại 20 năm về trước thì dọc hai bên sông Sài Gòn gần như có rất ít khu vực được cải tạo, chỉnh trang hình thành các dải cây xanh công viên phục vụ cho người dân, chưa có các công viên bờ sông, kênh rạch như dọc đại lộ Võ Văn Kiệt, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè… như bây giờ. Như bản thân tôi cách đây hơn 30 năm đã ở một chung cư cũ bên chợ Thị Nghè, ngay trên bờ sông, hiện nay chung cư đó đã không còn, thay vào đó là công viên bờ sông có cây xanh, thảm cỏ. Đây là những sự thay đổi rất lớn!
Rõ ràng, bây giờ nếu chúng ta đi dọc sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các khu vực ở quận 7, Bình Thạnh… đã thấy nhiều nơi cảnh quan bờ sông, kênh rạch thay đổi hoàn toàn, đẹp hơn rất nhiều. Để đạt được kết quả như vậy không thể nào muốn là có ngay mà phải thực hiện có lộ trình và rất nhiều nỗ lực. Việc chỉnh trang, phát triển bờ sông Sài Gòn nói riêng và bờ sông, kênh rạch nói chung là một trong các công tác ưu tiên của TP.
Hiện nay, Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM, giai đoạn 2020-2045” và kế hoạch thực hiện đã được UBND TP phê duyệt và đưa vào triển khai với sự tham gia của các cơ quan, ban ngành thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau và chính quyền TP Thủ Đức, các quận, huyện. Tiến trình triển khai được thực hiện theo kế hoạch đề ra. Một số quận, huyện đã giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai khi đủ điều kiện. Đương nhiên, không thể phủ nhận là TP còn rất nhiều việc phải làm do hệ thống sông và kênh rạch của TP rất lớn nhưng hiện nay tất cả các phương án đang chuyển động.

Ưu tiên chỉnh trang khu vực “bờ Đông - bờ Tây”

Theo Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM, giai đoạn 2020-2045” do UBND TPHCM phê duyệt ngày 28-6-2021, khu vực bờ Đông từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương và bờ Tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (ngã ba Kênh Tẻ - sông Sài Gòn) sẽ được ưu tiên thực hiện.

Là khu vực quan trọng của sông Sài Gòn, đi qua khu trung tâm hiện hữu văn hóa lịch sử (bờ Tây) và khu vực trung tâm dịch vụ, công nghệ tài chính Thủ Thiêm (bờ Đông). Đây là khu vực tập trung các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghệ và có tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ ven sông. Khu vực này được ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2020-2025, nhằm kết nối và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, gồm bờ kè sông, cầu cảng bến thủy, các tuyến đi bộ, xe đạp, bến bãi trung chuyển kết nối không gian mở công viên cây xanh và quảng trường đô thị (bao gồm Quảng trường Hồ Chí Minh), triển khai theo mô hình thí điểm cách làm ở một số dự án để có cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm. 

Một trong các giải pháp có thể sử dụng là giải pháp biên chỉnh trang. Khi đầu tư một con đường, lấy biên chỉnh trang ra hai bên đường bao gồm quỹ đất hình thành giá trị do con đường tạo ra. Giá trị đất được nhà nước đấu giá để bù lại chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi đầu tư một công viên cây xanh (ven sông), lấy biên chỉnh trang rộng hơn diện tích công viên, nhằm tạo quỹ đất có giá trị nhờ vào không gian xanh công viên để đấu giá bù vào chi phí đầu tư và vận hành công viên.

Tin cùng chuyên mục