Sau thời gian im hơi lặng tiếng, ngày 18-1, nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange cho biết, sẽ tiếp tục công bố những tài liệu gây sốc đang có trong tay. Thông tin lần này liên quan đến chi tiết tài khoản của hơn 2.000 cá nhân, trong đó có nhiều lãnh đạo các tập đoàn giàu có và các chính khách bị nghi ngờ trốn thuế.
Người của công chúng... trốn thuế
Người cung cấp thông tin cho Wikileaks lần này là ông Rudolf Elmer, người từng đứng đầu ngân hàng Thụy Sĩ Julius Baer tại quần đảo Cayman - nơi được biết đến như thiên đường trốn thuế tại khu vực Carribean. Ông Rudolf Elmer làm việc tại ngân hàng này trong 8 năm trước khi bị sa thải năm 2002. Vị cựu giám đốc từ chối tiết lộ danh tính các cá nhân bị nghi ngờ nhưng cho biết, có khoảng 40 chính khách và “người của công chúng” đến từ Mỹ, Anh, Đức, Áo và châu Á sẽ được xướng tên đợt này.
Theo tờ New York Times (Mỹ), ông Elmer đã đưa 2 chiếc đĩa vi tính cho ông Assange trong buổi họp báo ngày 16-1. Đây là lần đầu tiên ông Assange xuất hiện trước công chúng sau khi bị cảnh sát Anh bắt tạm giam hồi đầu tháng 12-2010. Việc bắt giữ ông Assange liên quan đến cáo buộc quấy rối tình dục của một tòa án Thụy Điển. Sau khi nộp tiền bảo lãnh, ông Assange đã được trả tự do.
Theo ông Assange, Wikileaks sẽ kiểm chứng lại những thông tin ông Elmer cung cấp và có thể sẽ công bố trong 2 tuần tới. Ông Assange cũng đề cập đến khả năng hợp tác với các tổ chức thông tin tài chính và gửi những dữ liệu này cho Cơ quan chống gian lận của Anh, nơi chuyên điều tra về tham nhũng.
Bóc trần hoạt động trái pháp luật
Cũng theo NYT, những tài liệu trên được một cựu nhân viên làm việc cho các cơ quan thuế vụ của Mỹ cung cấp cho ông Elmer. Nhận thấy sự việc nghiêm trọng, ông Elmer đã gửi những chứng cứ này cho Wikileaks. Ông Elmer mong muốn, thông qua Wikileaks, công chúng sẽ được biết đến một hệ thống hoạt động trái pháp luật đang tiếp tay cho hành vi rửa tiền.
Trước những tuyên bố của ông Elmer, ngân hàng 120 năm tuổi Julius Baer đã phản pháo, bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp. Đại diện Julius Baer tin rằng ông Elmer đang cố gắng trả thù Julius Baer, làm xấu hình ảnh của ngân hàng trong mắt khách hàng và công chúng. Theo Julius Baer, những chứng cứ mà ông Elmer cung cấp cho Wilkileaks chắc chắn là những tài liệu giả và những cáo buộc của ông Elmer là vô căn cứ.
Năm 2008, Wikileaks và Julius Baer cũng đã từng có những va chạm khi Wikileaks cho công bố hàng trăm văn bản liên quan đến các hoạt động bên ngoài Thụy Sĩ của ngân hàng này. Sau đó, Julius Baer thắng Wikileaks trong vụ kiện yêu cầu đóng cửa website Wikileaks.org. Tuy nhiên, lệnh của tòa án sau đó đã bị hủy bỏ và vụ án cũng khép lại.
Trong những năm gần đây, các hoạt động ở nước ngoài của ngành ngân hàng bị “soi” khá kỹ do những cáo buộc làm sai luật, cho phép các nhà đầu tư trốn thuế. Ngoài ra, các ngân hàng còn lập ra các mạng lưới công ty, các quỹ ủy thác nhằm gây “nhiễu” hệ thống giám sát thuế nước ngoài.
Trường hợp gian lận quy mô lớn bị phát hiện gần đây là ngân hàng UBS của Thụy Sĩ vào năm 2009. Khi đó, cựu Giám đốc ngân hàng UBS, ông Bradley Birkenfeld, đã vạch trần các chiến thuật lách luật và buộc ngân hàng này phải cung cấp hàng chục ngàn dữ kiện về tài khoản của khách hàng bị nghi gian lận thuế cho Sở thuế vụ Mỹ (IRS).
Theo ông Assange, các tổ chức tài chính thường xuyên hoạt động sai nguyên tắc bởi họ có quyền lực riêng của mình. Ông Assange cho rằng, Wikileaks là một minh chứng rõ nét cho điều này khi họ bị “kiểm soát về kinh tế”.
Visa và MasterCard, 2 công ty hàng đầu về dịch vụ thẻ ATM, đã ngừng cung cấp dịch vụ cho Wikileaks sau khi website cho đăng tải các thông tin về cuộc chiến Afghanistan và Iraq.
* Ngày 19-1, ông Rudolf Elmer sẽ bị xét xử tại Thụy Sĩ vì vi phạm quy định về bí mật ngân hàng. Theo luật sư của ông Elmer, nếu bị buộc tội, ông Elmer sẽ phải đối mặt với án 8 tháng tù treo và mức phạt 8.200 USD. Năm 2005, ông Elmer bị buộc tội giả mạo giấy tờ, vi phạm luật bí mật ngân hàng và đe dọa nhân viên tiết lộ các việc làm trên của ông Elmer. |
Đỗ Văn