Sống xanh, sống đẹp

Dịch Covid-19 khiến cả thế giới “ăn không ngon, ngủ không yên” nhưng cũng không ít những chuyển động tích cực đang diễn ra trong đời sống xã hội ở nhiều quốc gia từ đại dịch này.

 

Xe đạp là một phương tiện hiệu quả cho việc di chuyển gần trong thành phố
Xe đạp là một phương tiện hiệu quả cho việc di chuyển gần trong thành phố

Trong bối cảnh lệnh dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đang được lên kế hoạch vào ngày 11-5 tới tại Pháp, chính quyền địa phương, nhất là ở các đô thị lớn cho rằng người dân thành phố sẽ quay lưng lại với giao thông công cộng vì vẫn lo ngại dịch bệnh tái bùng phát.

Khi đó, xe đạp có thể là một phương tiện thay thế hiệu quả, ít nhất là cho việc di chuyển gần trong thành phố. Không chỉ đảm bảo khoảng cách an toàn, xe đạp cũng sẽ giúp người dân thoải mái hơn sau gần 2 tháng ở nhà. Hơn nữa, thời tiết cuối xuân rất phù hợp cho việc đạp xe. Tuy nhiên, các địa phương tại Pháp đang vấp phải một trở ngại là thiếu cơ sở hạ tầng an toàn cho người đi xe đạp. Nhận thức được vấn đề này, nhiều đô thị lớn ở Pháp như Paris, Nantes, Lyon, Rennes, Lille... tuyên bố sẽ triển khai quy hoạch làn đường dành riêng cho xe đạp dọc theo các đại lộ chính giống như ở Bogota (Colombia), Berlin (Đức)...

Để giúp các thành phố, các hiệp hội xe đạp sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương xác định những tuyến đường hợp lý. Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá về rủi ro, môi trường, vận chuyển và quy hoạch đã công bố trên mạng internet một cẩm nang phát triển đô thị, bao gồm chuyển đổi không gian công cộng bằng vật liệu nhẹ, dễ tháo lắp...

Làm việc tại nhà đang là xu thế bắt buộc trong mùa dịch khi các nước đang áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Một trong các tác động tích cực của quy định này là chất lượng không khí tại các thành phố được cải thiện rõ rệt. Một nhóm hoạt động môi trường, có tên gọi Hội đồng khí hậu Vương quốc Anh, đã gọi đây là một cuộc thử nghiệm lối sống xanh hơn. Ngày 19-4 vừa qua, nhóm đã tổ chức họp định kỳ lần đầu tiên theo hình thức trực tuyến, để thảo luận các biện pháp chống biến đổi khí hậu tại xứ sở sương mù. Tại cuộc họp, ông Marc Robson, 46 tuổi, một thành viên của nhóm, khẳng định: “Với dịch Covid-19, chính phủ đã phải hành động vì không có lựa chọn nào khác. Với biến đổi khí hậu, họ cũng cần hành động như vậy. Ông Robson cảnh báo mọi người sẽ chết do biến đổi khí hậu nếu không hành động...”. Trong khi đó, nhà vật lý tại vùng Surrey, ông Ibrahim Wali, 42 tuổi, cho biết, các buổi họp của nhóm giúp ông sống “xanh” hơn như chuyển đổi sử dụng bóng đèn LED trong nhà, cân nhắc việc chuyển sang sử dụng ô tô động cơ lai hoặc ô tô điện...

Còn tại Thụy Sĩ, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân nước này. Người dân Thụy Sĩ ưu tiên hơn cho các dịch vụ cơ bản với việc chi tiêu nhiều hơn đáng kể để mua thực phẩm (tăng 18,6%). Trong khi đó, chi tiêu mua quần áo đã giảm hơn 50% và chi tiêu mua giày dép giảm hơn 80%...

Tuy nhiên, điểm đáng lưu tâm trong sự thay đổi này đó là người Thụy Sĩ không chỉ chi tiêu cho bản thân mà còn chia sẻ với các hoạt động từ thiện. Họ đã dành khoảng 1/5 số tiền chi tiêu cá nhân cho các khoản từ thiện. Theo Quỹ Đoàn kết Thụy Sĩ, kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát đến nay, quỹ này đã thu được gần 28,8 triệu USD tiền đóng góp từ cá nhân cho các bộ phận xã hội gặp khó khăn... 

Tin cùng chuyên mục