Bạn đọc viết

“Sốt” cây trồng, vật nuôi – coi chừng vỡ nợ!

Đọc bài “Cây vải thiều trong cơn choáng thị trường” đăng trên Báo SGGP ngày 29-3-2007 và “Cá tra giống “nóng” như chứng khoán!” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 28-3-2007, tôi chợt giật mình bởi sự thụ động của người nông dân trước những biến động bất thường của thị trường nông sản thực phẩm.

Còn nhớ vào thời điểm năm 1992-1993 ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, giá cà phê đột ngột tăng cao khiến hàng ngàn hộ nông dân thế chấp nhà cửa vay tiền ngân hàng, đồng thời bán tài sản có giá trị đổ xô đi mua đất canh tác cà phê. Oái oăm thay, giá cà phê chỉ duy trì ở mức cao trong vài ba năm, đến khoảng cuối năm 1995 thì giảm dần xuống mức thấp, thu hoạch bán ra không đủ chi phí đầu tư, nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, hoàn toàn mất khả năng thanh toán khoản vay ngân hàng, trở nên trắng tay.

Ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… cách đây 4, 5 năm, nhu cầu thị trường cá sấu cũng đột ngột tăng mạnh, thế là không ít gia đình, có cả cán bộ, công chức lại thế chấp tài sản, nhà cửa vay tiền ngân hàng mua đất, đào ao nuôi thả cá sấu với số lượng lớn, để rồi năm 2006 vừa qua, khi đến mùa thu hoạch thì giá cả sụt giảm nhanh chóng, đột biến chẳng khác gì lúc tăng, đẩy nhiều người vào vòng nợ nần, nghèo khó trước cơn bĩ cực của giá cả. Vì vậy, nếu bà con nông dân chạy theo cơn sốt cây trồng, vật nuôi như lâu nay, tiếp tục đầu tư tiền của để trông chờ vận may “đổi đời” xin hãy thận trọng, tỉnh táo, coi chừng lặp lại điệp khúc cà phê, cá sấu như đã xảy ra.

Nên chăng, các cơ quan chức năng như Hội Nông dân, Sở Thủy sản, tư vấn, hướng dẫn thêm cho nông dân trong việc chọn cây trồng, vật nuôi thích hợp. Các nhà quản lý, các cơ sở kinh doanh lớn các mặt hàng này sớm vào cuộc, tư vấn kịp thời cho người dân để họ có quyết định đúng đắn mỗi khi “cơn sốt” bất thường nảy sinh.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT
(Lâm Đồng)

Tin cùng chuyên mục