Sự bất lực hay...

  • Từ những trận cầu đã biết trước

Nếu tinh ý thì ai cũng thấy rằng, những trận đấu liên quan đến hệ thống tiêu cực trong bóng đá Việt Nam đang được cơ quan điều tra làm rõ đều đã từng được báo chí lên tiếng phản ảnh. Những người làm báo, đứng ở giữa cái nhìn của nhà chuyên môn và khán giả đã nhận thấy các trận đấu “có mùi” và đưa lên mặt báo.

Nếu nhà báo nhìn thấy sự việc thì dám chắc những nhà chuyên môn trong hệ thống điều hành của VFF phải thấy được tất cả. Câu hỏi đặt ra: tại sao các trận đấu đã được dư luận thấy rõ là “đóng kịch giữa ban ngày như vậy” vẫn “thoát” khỏi sự trừng phạt của VFF?

Tất nhiên người ta sẽ nói “chứng cứ đâu?”

Sự bất lực hay... ảnh 1

CLB Pjico SLNA.

Chỉ tính riêng 5 năm làm bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, số lượng các trận đấu biết trước kết quả đã lên con số hàng chục và liên quan đến phần lớn các đội bóng tại Việt Nam. Trong 5 năm đó, người ta kể tên một cách trực tiếp hoặc gián tiếp 3 “đường dây” tiêu cực.

Mỗi đường dây như vậy là bộ tam, bộ tứ các CLB có mối quan hệ với nhau và những đường dây này liên kết để tạo nên những kết quả chi phối toàn bộ diễn biến và thứ hạng của V-League. Người ta vẫn hay nói đến các trận đấu dễ đoán kết quả giữa SLNA- Đà Nẵng, Bình Định – HA.GL, Đồng Tháp – SLNA…

Nói là nói vậy nhưng khi báo chí đặt câu hỏi, từ những người điều hành V-League cho đến các CLB đều lắc đầu phủ nhận các mối liên hệ trên. Mùa bóng nào cũng có vài trận đấu “nặng mùi” tiêu cực. 5 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, rốt cục cũng chỉ là một con số 0 về hiệu quả khi mà nỗi ám ảnh thành tích đã bẻ cong mọi ý đồ tốt đẹp của các nhà tổ chức. Ngay bản thân BTC cũng không đủ dũng cảm để nhận xét tình hình. Mùa bóng nào rồi cũng kết thúc thành công như mong đợi!

Vậy nên, việc cơ quan điều tra làm mạnh tay trong chuyên án chống tiêu cực bắt đầu từ trọng tài lần này sẽ phá nát cả V-League năm 2006. Trao đổi với chúng tôi, bản thân các lãnh đạo CLB cũng thừa nhận họ không dám tin là V-League 2006 sẽ tiến hành và kết thúc như mong muốn. Tuy vậy, nhiều người có trách nhiệm tuyên bố: VFF và cơ quan điều tra cứ mạnh tay để còn hy vọng có một giải bóng đá sạch sẽ hơn trước cho dù năm nay, sẽ không có V-League.

  • Sự bất lực của BTC?

Nếu các CLB dũng cảm như vậy, chấp nhận sẽ lãng phí một năm để tìm lại cho sân cỏ khán giả trung thành thì liệu BTC và cụ thể là VFF có theo đuổi đến cùng sự việc không?

Cũng cần phải nhớ rằng, quyền hạn trong tay BTC là rất lớn. Họ có thể ra quyết định kỷ luật, trừ điểm, loại khỏi giải một CLB nào đó có vấn đề mà không có trở ngại nào nhưng quả thật, mùa giải nào BTC cũng ra hàng chục quyết định kỷ luật nhưng chỉ trừ tiền là hết. Kể cả những trận đấu tiêu cực rõ như ban ngày mà BTC vẫn cứ …trừ tiền. Bây giờ, khi công an điều tra về chức vô địch năm 2001 của SLNA thì người ta mới nhớ lại sự kiện cúp vô địch xuất hiện tại sân Vinh. Nếu điều tra thành công và chứng minh rằng SLNA đã mua chức vô địch thì liệu các nhà tổ chức mùa giải năm đó có bị truy cứu trách nhiệm hay không khi thông qua hình thức “tiếp tay” như vậy.

BTC biết mọi việc vì họ là những người có chuyên môn tốt nhất được cộng đồng bóng đá cử làm đại diện điều hành giải đấu. Nhưng thật ngược đời là khi ai cũng thấy có “mùi” thì riêng BTC vẫn bình chân tuyên bố không có. Vậy thì BTC bất lực hay kém tài?

VFF vẫn hay đưa ra câu hỏi: chứng cứ đâu? Tất nhiên, nếu đã có chứng cứ tiêu cực thì làm gì còn có chuyện VFF xử nữa. Đã có chứng cứ thì nhiệm vụ điều tra sẽ chuyển về bên công an, lúc đó thì cần gì BTC hay các giám sát đáng kính. Cái mà BTC làm được mà cơ quan công an không làm được đó là xử lý những trận đấu “không có chứng cứ”.

Lúc đó, “chứng cứ” được hiểu chính là khả năng nhìn nhận chuyên môn của các thành viên BTC. Người ta đã tín nhiệm họ, đưa họ lên khán đài ngồi ở vị trí tốt nhất để tìm ra sự bất bình thường của trận đấu nhằm tạo sự công bằng cho sân cỏ, thế mà khi có chuyện thì những người có trách nhiệm lại gào lên “chứng cứ đâu”. Rồi có cả chuyện một ông Trưởng BTC lại tuyên bố thà chịu bị xem là hèn chứ nhất định phải có chứng cứ. Ông ta đâu phải công an đâu mà cứ đòi chứng cứ?

Những mùa giải trôi qua, mùa nào dư luận cũng đặt vấn đề về sự trung thực trên sân cỏ và BTC thì cứ để cho “nước chảy qua cầu”. Đấy chính là “TỘI” của những nhà điều hành bóng đá. Nếu họ dũng cảm hơn, kiên quyết hơn thì những sự việc tồi tệ sẽ giảm đi chứ không phải đến lúc này trở nên “bầy hầy” đến mức có thể làm hỏng cả một mùa giải.

Chất lượng của đội ngũ giám sát

Không phải là oan ức khi người ta nói giám sát “ngồi mát ăn bát vàng !”.

Những bản báo cáo của họ đa phần sạch sẽ đến mức khó tin. BTC thì luôn nói, họ căn cứ trên bản báo cáo của giám sát nhưng căn cứ thì chẳng làm được gì vì chẳng có cái gì bất thường cả.

Mặt khác, một giám sát kể chuyện rằng: “Có trận đấu, tôi báo cáo là có chuyện bất thường trên bản báo cáo rồi gởi về cho BTC. Sau đó, tôi đề nghị gởi ngay băng ghi hình hỏa tốc ra Hà Nội. Chưa kịp gởi thì đã có điện từ BTC đề nghị cứ gởi băng ghi hình vào TP.HCM xử lý sau.

Sau này tôi mới biết, lãnh đạo tỉnh có đội bóng bị tôi nghi ngờ đã gọi điện đề nghị BTC cho xem băng trước. Thật hết biết! Tôi tức lắm nhưng cũng đành chịu vì trách nhiệm của tôi là làm báo cáo và gởi băng về. Phần còn lại thuộc quyền quyết định của BTC”. Ông giám sát này nói, chuyện như vậy không phải một lần ông gặp phải đến nỗi chán nản muốn bỏ nghề.

Phải thừa nhận, các giám sát tại Việt Nam đều có chuyên môn cao nhưng họ bị chi phối quá nhiều. Chính sự chi phối này đã làm giảm chất lượng của “những cánh tay nối dài”. Đấy là chưa nói, ngoài đường dây tiêu cực trọng tài, trong nội bộ các giám sát, cũng có các đường dây riêng và việc làm ngơ trước những điều bất thường trên sân không xuất phát từ chất lượng kém về chuyên môn mà chủ yếu là cái đầu.

Làm giám sát thì cũng chẳng giàu có gì nhưng không thể vì vậy mà hệ thống giám sát trận đấu không phát huy được trách nhiệm của mình.

Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục