(SGGPO).- Khi xảy ra sự cố, tại sao tất cả trách nhiệm lại được đổ lên các thí sinh? Rõ ràng, họ chẳng thể nào tự... đưa mình vào chung kết, tự vượt qua các vòng kiểm tra nhân trắc học "uy tín" để bị khoác lên thứ tội danh "dối lừa dư luận"!
Chưa năm nào, cuộc thi nhan sắc có tầm cỡ quốc gia, lịch sử lâu đời và được đánh giá là uy tín như Hoa hậu Việt Nam lại vướng phải nhiều "sự cố" như năm nay. Ngay trước thềm đêm chung kết, hàng loạt scandal lớn nhỏ cứ liên tục bị vỡ lở, khiến cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 trở nên rối rắm và ồn ào hơn bao giờ hết!
Thí sinh phạm quy, bỏ thi, lỗi tại ai?
Hoa hậu Việt Nam 2016 có lẽ là cuộc thi có nhiều thí sinh "bất ngờ" bỏ cuộc nhất. Hàng loạt cái tên được coi là ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị hoa hậu lại đột ngột từ bỏ cuộc chơi với nhiều lý do khác nhau, nhưng không một lý do nào đủ thuyết phục đối với người hâm mộ.
Trường hợp của Hoa khôi Huế Lê Trần Ngọc Trân, lý do "không chịu nổi áp lực dư luận" cô đưa ra không khiến cho khán giả hài lòng. Cùng với đó, nguyên nhân khá mập mờ và khó hiểu "không đáp ứng điều kiện đẹp tự nhiên và ở thời điểm này không phục hồi nguyên trạng ban đầu" của thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Vân (SBD 323) cũng làm dấy lên rất nhiều những nghi ngờ, đồn đoán khác nhau của người hâm mộ.
Rõ ràng, với những câu chữ mơ hồ như vậy, khán giả khó lòng hiểu rõ thực chất, thí sinh tiềm năng này phải ra về vì lý do gì và rốt cuộc, ai là người phải chịu trách nhiệm chính cho những thay đổi đột ngột này?
Hoa khôi Huế Lê Trần Ngọc Trân
Nguyễn Thị Ngọc Vân
Đặc biệt, trường hợp của thí sinh Nguyễn Thị Thành - người đang trở thành tâm điểm của dư luận qua vụ tố qua, tố lại ồn ào cùng ban tổ chức còn gây nhiều sóng gió hơn, khi lần ra về của cô không hề êm thấm như nhiều đồng nghiệp khác!
Ngay sau khi Nguyễn Thị Thành rời khỏi cuộc chơi kèm theo lời tố "ban tổ chức đã hành xử thiếu công bằng", phía nhà tổ chức cuộc thi cũng nhanh chóng phản pháo bằng cáo buộc: Nguyễn Thị Thành đã dối lừa dư luận. Theo đó, họ đã dày công thu thập đủ bằng chứng cho thấy Nguyễn Thị Thành đã chủ ý đi làm lại răng để cải thiện nhan sắc của mình, chứ hoàn toàn không phải do tai nạn! Gần như ngay lập tức, rất nhiều cáo buộc hùng hồn được phía ban tổ chức "xoáy sâu" vào sai lầm của Nguyễn Thị Thành, khiến thí sinh tới từ Bắc Ninh nghiễm nhiên trở thành "tội đồ" duy nhất trong câu chuyện.
Ngoài Nguyễn Thị Thành, còn những ai dối lừa công luận?
Rõ ràng, không thể bao biện cho hành động đáng trách của Nguyễn Thị Thành trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu lần này. Nhưng nếu nhìn sâu xa hơn, người ta khó lòng quy kết trách nhiệm "dối lừa công luận" cho một mình cô thí sinh xứ Bắc Ninh. Hành vi của Nguyễn Thị Thành nên được gọi tên chính xác là "lừa dối ban tổ chức", chứ không phải công luận. Bởi chắc chắn, những phát ngôn xuất phát từ cá nhân Nguyễn Thị Thành sẽ không đủ sức nặng, uy tín để thuyết phục đông đảo khán giả của cuộc thi. Những người theo dõi Hoa hậu Việt Nam 2016 sẽ chỉ đặt niềm tin vào tuyên bố cuối cùng tới từ ban tổ chức cuộc thi, chứ không phải bất cứ một thí sinh nào khác!
Nguyễn Thị Thành
Trước khi đưa ra kết quả cuối cùng, ban tổ chức, các giám khảo đã phải trải qua cả một quá trình kiểm tra, sàng lọc cẩn thận, công bằng để lựa chọn ra những gương mặt xứng đáng nhất lọt vào chung kết. Trên thực tế, trước khi những scandal thẩm mỹ, thi chui nổ ra, thì cả Nguyễn Thị Thành, Lê Trần Ngọc Trân và Nguyễn Thị Ngọc Vân đều là những cái tên được họ "chọn mặt gửi vàng" và công bố rộng rãi trước công luận. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố, tại sao tất cả trách nhiệm lại được đổ lên các thí sinh? Rõ ràng, họ chẳng thể nào tự... đưa mình vào chung kết, tự vượt qua các vòng kiểm tra nhân trắc học "uy tín" để bị khoác lên thứ tội danh "dối lừa dư luận"!
Một câu hỏi được không ít khán giả đặt ra ở đây là: Vai trò và trách nhiệm của ban tổ chức, ban giám khảo, nhất là giám khảo nhân trắc học, ở đâu trong những "sự cố" trên? Tại sao trong tất cả các phát ngôn từ phía đơn vị tổ chức, những thứ trách nhiệm không thể chối cãi ấy cứ như hoàn toàn... mất tích, thay vào đó là hàng loạt những cáo buộc một chiều hướng về phía các thí sinh? Và liệu đã thỏa đáng chưa khi gán tất cả sai lầm cho một thí sinh, trong khi còn rất nhiều người khác có liên quan trực tiếp tới việc để xảy ra sai lầm đó!
Cách xử lý mập mờ, đánh lạc hướng dư luận để chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm trong việc để xuất hiện hàng loạt sai sót nghiêm trọng của ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2016 liệu có thể được gọi là một cách "dối lừa dư luận"? Lẽ ra, với tư cách là một đơn vị tổ chức có uy tín, tên tuổi, họ nên có những cách cư xử đàng hoàng hơn, dũng cảm hơn và cầu thị hơn. Thay vì cố gắng đổ vấy hết trách nhiệm lên đầu những thí sinh và đưa ra những cáo buộc vu vơ, tại sao ban tổ chức cuộc thi không thể đưa ra một lời xin lỗi dư luận hoặc ít nhất, nhận về mình phần sai sót? Hay trong tâm thức của họ, tất cả lỗi lầm đều chỉ thuộc về người khác?
BÌNH SƠN