Gần đây, trên tờ báo mạng của phương Tây giới thiệu cuốn hồi ký của Anne Watts mang đầu đề “Nạn nhân luôn là trẻ em” (Always the children).
Tác giả là một nữ y tá ở vùng Tây-Bắc xứ Wales, nay sống ở Decvon, nước Anh. Tác giả giới thiệu về mình “là người cả đời cứu giúp những nạn nhân tại các vùng chiến sự nguy hiểm nhất thế giới, trong đó có Việt Nam”. Năm nay bà 70 tuổi. Bà đến Việt Nam vào cuối những năm 1960 - giai đoạn mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đang nóng bỏng nhất.
Không biết do nhận thức hay cố ý mà vô hình trung tác giả cuốn hồi ký đã đổ đồng “công, tội”, “tốt, xấu” giữa kẻ đi xâm lược (Mỹ) và người chống lại sự xâm lược (Việt Nam).
Bà viết “… Người dân thường không bao giờ gây ra vấn đề gì cả mà là những người được gọi là lãnh đạo và những quyết định tồi tệ…”. Thậm chí, sau khi kể lại buổi tiếp xúc trên máy bay của không quân Hoa Kỳ giữa cháu bé Việt Nam 10 tuổi và người lính Mỹ 19 tuổi, cả hai đều mất hai chân do chiến tranh, bà lại buông ra câu nhận xét: “Tôi ngồi đó và chợt nhận ra sự thật của chiến tranh. Đó không phải là người tốt chống lại kẻ xấu và người tốt chiến thắng”(!)
Người viết bài này hoàn toàn không có ý xới lại nỗi đau của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng vì cuốn hồi ký đề cập thiếu khách quan nên đành phải nhấn mạnh lại rằng, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là cuộc chiến tranh quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, phi nghĩa nhất và thất bại thảm hại nhất của nước Mỹ.
Với hơn 20 năm của 5 đời tổng thống, Mỹ đã chi tới 676 tỷ USD, 7,8 triệu tấn bom đạn, lớn hơn lượng bom đạn mà Mỹ đã sử dụng trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trước đó. Chỉ tính riêng chiến tranh phá hoại miền Bắc, bình quân mỗi người dân Việt Nam phải chịu 45,5kg bom đạn và mỗi kilômét vuông mặt đất chịu 6 tấn bom đạn của không quân Mỹ ném xuống.
Đặc biệt là chỉ trong vòng 10 năm (1961-1971) quân đội Mỹ đã rải 20 triệu gallon (1 gallon = 3,78 lít) chất độc da cam và thuốc “diệt cỏ” chứa hóa chất chết người dioxin làm cho hàng triệu người Việt Nam mắc bệnh, vô số thai nhi biến dạng, di chứng kéo dài cho đến tận ngày nay.
Nói về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, tướng Taylor - một nhà chiến lược quân sự Mỹ đã phải thốt lên: “Trong suốt cả cuộc chiến tranh này, chúng ta không có một anh hùng nào cả, chúng ta chỉ là những lũ ngốc…” (“Maxwell D. Taylor, Người lính, đặc phái viên và những cái chết” - Thời báo New York - tác giả Krebs, Albin, 1987-04-21).
Người trong cuộc còn phải chua chát nói thế, mà bà mặc dù được tận mắt chứng kiến cuộc chiến tranh, lại lạc lõng cho rằng “sự thật của chiến tranh không phải là người tốt chống lại kẻ xấu”(!). Không phải bình luận gì thêm thì cũng đã quá rõ sự đánh đồng “tốt, xấu” của bà là một sự đánh tráo giá trị vụng về!
Bà là y tá, có thể “nghĩ chưa tới” nên viết thế hoặc thậm chí nghĩ một đằng, viết một nẻo… thì dù sao cũng chỉ là tư cách cá nhân, nhưng đáng trách là Công ty Simon and Shuster của Anh lại cho xuất bản cuốn hồi ký này. Đã vậy, tờ báo điện tử ở phương Tây lại giới thiệu cuốn hồi ký ngay trên trang chủ của bản báo với tít dẫn rất lạ tai: “Từ xứ Wales tới sự rùng rợn ở Việt Nam” khiến người đọc có cảm giác như có chuyện “tung, hứng” trong cuốn hồi ký đó! Vì năng lực thẩm định, vì động cơ chính trị, vì kinh tế, hay bản báo cố tình muốn “nói ngược” để gây sự chú ý của bạn đọc...? Dù xuất phát từ mục đích gì đi chăng nữa, thì việc đưa một nội dung không chính xác lên báo đều là xúc phạm đến bạn đọc, đồng nghĩa với uy tín của tờ báo bị giảm sút.
Thưa bà Anne Watts, cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam đã kết thúc cách đây gần 36 năm, nhưng dường như thời gian càng lùi xa thì bạn bè khắp bốn biển năm châu và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ càng khâm phục hơn tinh thần bất khuất “thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đồng thời, lên án Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa đó.
Còn những mất mát, đau thương mà bà đề cập trong cuốn hồi ký, thực ra là còn hết sức nhỏ bé so với sự thật. Cũng không chỉ có trẻ em, mà cả dân tộc Việt Nam hiện nay vẫn đang phải hàng ngày, hàng giờ khắc phục hậu quả chiến tranh - cuộc chiến tranh do Mỹ gây nên.
HUY THIÊM