Sự dịch chuyển tất yếu

Hãng tin Bloomberg ngày 19-3 đăng bài viết nhận định Nga đang mở rộng nỗ lực tìm kiếm bạn bè trong khu vực Đông Nam Á. Bài viết của hãng này dẫn chứng về khuôn khổ sáng kiến mở rộng quan hệ với các nước của khu vực này, trong đó, Tổng Tư lệnh Lục quân Nga, Thượng tướng Oleg Salyukov đã tới Thái Lan trong chuyến thăm 4 ngày để gặp gỡ các chỉ huy quân sự cao cấp Thái Lan. Trước khi thực hiện chuyến thăm này, tướng Salyukov đã thăm Lào. Theo quan sát của Bloomberg, Nga đang tập trung đa dạng hóa quan hệ kinh tế, ngoại giao và quân sự của mình với các quốc gia trong khu vực này.

Theo Sputnik, nỗ lực của Mátxcơva để tăng cường liên hệ với Thái Lan đang được thực hiện trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bangkok đang ngày càng lạnh nhạt. Chuyên viên nghiên cứu Nga từ Đại học Curtin Australia, ông Alekxei Muraviov nhận định: “Nga đang cố gắng khai thác yếu tố cân bằng lực lượng khi thừa nhận Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thúc đẩy chuyển động địa chính trị”.

Tờ Wall Street Journal có chung nhận định khi cho rằng, Nga đang xây dựng lại “hồ sơ quan hệ” của mình trên khắp Đông Nam Á bằng chính sách ngoại giao mới, các cuộc tập trận hải quân, các thỏa thuận trao đổi vũ khí, năng lượng, thương mại. 10 thành viên đang tăng trưởng nhanh của ASEAN, với GDP lên tới 2.600 tỷ USD, đang là thị trường chủ chốt cho những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga như dầu khí, công nghệ sạch và vũ khí. Matthew Sussex, chuyên gia về Nga tại Trường Đại học Quốc gia Australia, nhận xét: “Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến không chỉ các thỏa thuận thương mại mà cả sự hiện diện và tham gia về quân sự, an ninh và sự can dự đa phương nữa. Rõ ràng là người Nga đang can dự một cách rất nghiêm túc vào khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung”.

Veronika Novoseltseva, một tham tán tại Sứ quán Nga ở Jakarta (Indonesia) cho biết, quan hệ giữa Nga và khu vực đang “chuyển động” và trở nên “chi tiết và cụ thể hơn trong nhiều lĩnh vực”. Một làn sóng mới các doanh nghiệp Nga tại Indonesia đang dịch chuyển từ trọng tâm trước đây là nông sản và các sản phẩm thô sang những dự án công nghệ cao hơn như hải quân và vệ tinh.

Việc dịch chuyển nói trên nằm trong chính sách hướng Đông được Tổng thống V.Putin đề xướng từ năm 2010, tuy nhiên các số liệu thống kê cho thấy kết nối kinh tế Nga và Đông Nam Á chưa xứng tầm. Chỉ riêng trong lĩnh vực thương mại năm 2014, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 14 của ASEAN: giá trị thương mại hai chiều là 22,5 tỷ USD, dù tăng hẳn 13% so với năm 2013, nhưng vẫn chỉ bằng 0,9% tổng thương mại của 10 nước thành viên. Đầu tư của Nga ở Đông Nam Á cũng rất khiêm tốn, từ năm 2012 đến năm 2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nga vào ASEAN chỉ có 698 triệu USD. Trong cùng thời kỳ này, EU đã đầu tư 58 tỷ USD (15,7%), Nhật Bản là 56,4 tỷ USD (15,3%), Mỹ là 32,4 tỷ USD (8,8%) và Trung Quốc 21,4 tỷ USD (5,8%)…

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục