Tham gia hầu hết các chiến dịch lớn nhỏ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Sư đoàn 304 (còn được gọi là Sư đoàn Vinh Quang) là đơn vị đầu tiên của miền Bắc vào chia lửa với đồng bào miền Nam.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, trước yêu cầu lịch sử, năm 1950, Sư đoàn 304 đã được thành lập. Đại tá Trần Ngọc Khuê, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 19, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 nhớ lại: “Phiên hiệu 304 tượng trưng cho ý chí đoàn kết chiến đấu của quân và dân ở liên khu 3 và 4. Một vinh dự đặc biệt là đại đoàn ra đời chưa bao lâu thì được Bác Hồ đến thăm. Ghi sâu tình thương và những lời dặn dò của Bác, các chiến sĩ luôn anh dũng trong chiến đấu, thi đua sôi nổi xây dựng quân đội. Người này ngã xuống, người sau đứng lên”.
Đại tá Khuê kể thêm: “Những năm chống Pháp nào đã có súng ống, đạn dược gì nhiều, chỉ giáo mác, gậy gộc. Khẩu phần ăn chỉ có nắm cơm nguội với muối rang, mà đôi khi đưa nắm cơm lên miệng thấy có cả máu của đồng đội, có cả đất mẹ lẫn vào trong… Tất cả không nề hà gian khổ, hy sinh, trong mỗi người chỉ vang vọng hai tiếng “quyết chiến, quyết thắng” mà thôi. Chính những khó khăn gian khổ đã rèn cho các chiến sĩ của sư đoàn sự dũng cảm, kiên cường. Nhờ những thành tích ấy mà không biết từ khi nào, Sư đoàn 304 còn được nhân dân trìu mến gọi là Sư đoàn Vinh Quang”.
Sư đoàn 304 còn là đơn vị đầu tiên của miền Bắc vào “chia lửa” với đồng bào miền Nam ruột thịt với những chiến công oanh liệt từ những chiến dịch như Mậu Thân, Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Quảng Trị, chiến dịch Thượng Đức… Đặc biệt, trong trận đánh Plây Me nổi tiếng, các chiến sĩ của sư đoàn đã dũng cảm đánh giáp lá cà, tiêu diệt gọn một tiểu đoàn quân Mỹ…
Những năm 1970, sư đoàn tiếp tục chiến đấu trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào để giữ vững và mở rộng vùng giải phóng phía Nam giới tuyến. Trung tá Lê Quý Đăng, một trong những cựu chiến binh từng chiến đấu ở mặt trận Đường 9 bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi đã đánh thắng nhiều trận ở các điểm cao 458, 500, 543 góp phần dập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719, cuộc thí điểm đầu tiên về chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh””.
Hòa bình, quê hương im tiếng súng, những người lính của Sư đoàn 304 tiếp tục tham gia sản xuất, xây dựng và bảo vệ đất nước. Những người anh hùng năm xưa nay về với cuộc sống bình dị. Đến nay đã có hơn 10 tỉnh, TP thành lập được ban liên lạc truyền thống, thường xuyên hoạt động gồm: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Đồng Nai, TPHCM… Ban liên lạc CCB Sư đoàn 304 đã phát động các CCB của sư đoàn đóng góp gần 400 triệu đồng để tôn tạo đài tưởng niệm Trung đội Mai Quốc Ca anh hùng tại Quảng Trị. Các CCB Tiểu đoàn Công binh 17 đã đưa năm hài cốt của đồng đội từ Thượng Đức, Quảng Nam về với gia đình…
Cuộc sống còn bao khó khăn, nhưng với phẩm chất người lính Cụ Hồ, họ lại lao vào sản xuất, tham gia phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương đất nước.
THANH AN