Cuối cùng thì Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cũng đã thừa nhận và lên tiếng xin lỗi người hâm mộ bóng đá thế giới về sai lầm rất nghiêm trọng của trọng tài người Uruquay Larionda khi đã không công nhận bàn thắng của Frank Lampart trong trận tuyển Anh thua Đức với tỷsố 4-1 ở trận đấu vòng 1/16 của World Cup 2010. Ngài Chủ tịch cũng đã hứa sẽ xem xét một cách nghiêm túc vấn đề có nên sử dụng phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ cho các trọng tài trong khi điều khiển trận đấu hay không?

Nên hỗ trợ phương tiện kỹ thuật cho các trọng tài khi điều khiển trận đấu
Với động thái này, ít nhiều đã cho thấy FIFA đã thật sự “thấm thía” với những “bất công” trong bóng đá mà nguyên nhân chính là do sai lầm của các trọng tài tạo nên. Tuy vậy, vẫn có không ít người từ quan chức lãnh đạo, các trọng tài, các chuyên gia bóng đá cho đến những cầu thủ trực tiếp tham gia chơi bóng (trong đó có Việt Nam) lại lên tiếng không ủng hộ việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật với lý do là sợ mất đi tính… tự nhiên và hấp dẫn vốn có của bóng đá. Ý kiến này mới nghe qua cũng hay hay, nhưng nếu ngẫm kỹ lại thấy cũng không ổn chút nào. Người viết xin có ý kiến tranh luận nho nhỏ cho “ra ngô ra khoai” vấn đề trên coi như góp phần làm tăng thêm “hương vị” cho bóng đá nhân dịp World Cup đang diễn ra sôi động trên đất Nam Phi.
o0o
Ai đó nói rằng, bóng đá suy cho cùng chỉ là một cuộc chơi của con người; bóng đá cũng là “nghệ thuật” phản chiếu tất cả những gam màu tối sáng, những bất công, phi lý trong cuộc sống, nên chuyện sai lầm của trọng tài đưa đến những sự bất công cho một cầu thủ hay một đội bóng âu cũng là chuyện bình thương và càng làm tăng thêm tính hấp dẫn của môn thể thao vua… Điều này theo tôi là không sai, nhưng mà cũng không… đúng và không thuyết phục lắm! Vì sao tôi lại nói như vậy?
Thứ nhất, nên nhớ rằng bóng đá đến ngày nay không chỉ là cuộc chơi mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mấy tỷ người trên hành tinh này. Cuộc sống thực của con người vốn có quá nhiều bất công nên con người mới tìm đến “nghệ thuật” để mong qua nghệ thuật con người có thể xây dựng và tổ chức lại cuộc sống sao cho đẹp hơn, công bằng hơn. Nếu đã xem bóng đá như một môn nghệ thuật, nhưng vẫn thừa nhận những sai lầm, những bất công trong bóng đá thì quả là không chấp nhận được.
Thứ hai, ai đó lo sợ rằng những phương tiện kỹ thuật sẽ giết chết sự hấp dẫn của bóng đá là chưa hiểu hết về “nghệ thuật bóng đá” và những hấp dẫn mà bóng đá mang lại. Sở dĩ bóng đá hấp dẫn và mọi người yêu bóng đá là vì trên sân có những cầu thủ biết “làm xiếc” với quả bóng bằng đôi chân ma thuật của mình; bóng đá hấp dẫn vì sự tinh quái trong cách dẫn dắt đội bóng của một HLV, vì sự đoàn kết và tinh thần kỷ luật, cống hiến hết mình của một tập thể đội bóng, hấp dẫn vì những tình huống bóng dội xà ngang hay cột dọc khi một cầu thủ sút hoặc đánh đầu, và trên hết vì cái khoảnh khắc “sướng tê người” khi chứng kiến một bàn thắng đẹp và hợp lệ của một cầu thủ…
Cho nên làm gì có chuyện bóng đá hấp dẫn và hồn nhiên vì… chuyện trọng tài mắc sai lầm. Tại sao lại cho rằng, chuyện trọng tài không công nhận một bàn thắng hợp lệ, hay ngược lại đi công nhận một bàn thắng vốn không hợp lệ rồi ngụy biện rằng những điều ấy góp phần làm cho bóng đá hấp dẫn? Thực tế cho thấy, mỗi khi trọng tài mắc sai lầm thì lập tức làm cho bóng đá mất đi tính hấp dẫn và hồn nhiên ngay.
Điều dễ thấy nhất là ngay và sau trận đấu, trọng tài bị mọi người nguyền rủa rất thậm tệ. Tệ hại hơn, nếu chúng ta biết rằng ngày nay, những ông trùm của những đường dây cá độ bóng đá đang tìm mọi cách “can thiệp” vào các trận bóng ở những giải đấu lớn thì những sai lầm của trọng tài như thế, biết đâu bọn bất lương vì cay cú ăn thua sẽ tìm và thanh toán, như trường hợp của tuyển thủ Colombia Endres Escobar ở World Cup 1994?!
o0o
Từ những thực tế trên, tôi cho rằng việc FIFA sử dụng biện pháp kỹ thuật hỗ trợ các trọng tài trong khi điều khiển trận đấu để hạn chế những sai lầm ở mức thấp nhất là điều rất nên làm (vấn đề ở đây là nên chọn lựa biện pháp nào cho hợp lý mà thôi). Bởi một điều rất rõ ràng là chuyện sai lầm của trọng tài suy cho cùng chỉ gây ra cho người xem vô số những phiền toái. Phiền toái ngay lúc xem, phiền toái sau khi trận đấu kết thúc (báo giới lên tiếng chỉ trích, Ban tổ chức thì phải đau đầu xoa dịu, xin lỗi dư luận) và phiền toái mãi mãi vì mỗi khi có dịp là người ta phải nhớ đến chuyện ấy.
Còn gì vô lý hơn khi trong cuộc sống con người biết trước có những sai lầm, đã tìm ra những giải pháp nhằm khắc phục sai lầm, nhưng lại cố tình không chịu khắc phục và trái lại còn thừa nhận sai lầm của mình? Tôi không tin rằng chuyện phương tiện kỹ thuật giúp trọng tài xác định chính xác tình huống quả bóng đã vào vạch vôi giữa cầu môn hay chưa lại giết chết đi sự hồn nhiên và tính hấp dẫn của bóng đá.
NGUYỄN TRỌNG BÌNH
(Giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long)