Nhìn những thùng dâu chín mọng được nông dân Bỉ bày bán bên lề đường gợi tôi nhớ câu chuyện bi hài có thực, đăng báo mùa hè 3 năm trước: Giáo sư T. 52 tuổi, chuyên ngành tiếp thị và truyền thông của một trường đại học tại Brussels, thất nghiệp đã 5 năm, vừa được yêu cầu nhận nghề mới - hái dâu.
Trung tâm trợ giúp xã hội nơi ông tới gợi ý: Sao ông không thử làm việc khác, hái dâu chẳng hạn? Cả vùng đang vào mùa dâu chín và thiếu nhân công.
Vị giáo sư không tin nổi vào tai mình. Chuyện ầm ĩ lên báo, nhưng một trung tâm đào tạo việc làm tại vùng Flanders lại thấy hợp lý, ủng hộ ý kiến này: Thông thường một người thất nghiệp chỉ có thể xin được việc ngang bằng cấp và kinh nghiệm trong khoảng 5 tháng đầu tiên tìm việc. Cơ hội trở lại công việc tương đương trong thế giới hàn lâm sau nửa thập kỷ gián đoạn là rất nhỏ.
Người phương Tây vốn nổi tiếng thực dụng và thực tế. Cá nhân tôi ấn tượng câu chuyện này ở khía cạnh giá trị thời gian - 5 tháng đầu tiên mất việc và 5 năm chờ đợi. Ngay từ quá trình giáo dục bậc phổ thông, người phương Tây thường tận dụng thời gian một cách bài bản, khoa học và không chờ đợi.
Buổi học sinh tồn dưới nước của các em nhỏ ở Bỉ
Mùa hè năm ngoái về Hà Nội thăm gia đình, một người chị họ biết con tôi học xong hai khóa rồi vẫn chưa biết bơi, gợi ý “Học cấp tốc không, chị giới thiệu thầy dạy riêng cho, sau hai tuần bơi nhoay nhoáy”. Nghe chị nói mà ham. Nhưng tôi từ chối vì hai từ cấp tốc. Dành dụm mãi mới đủ tiền mua vé máy bay, mong mãi mới đến kỳ nghỉ hè về thăm quê ngoại mà lại bắt con cấp tốc biết bơi, còn gì là thư giãn. Trở lại Bỉ, tôi nhận được thư điện tử huấn luyện viên môn bơi gửi cho phụ huynh. Chứng kiến bọn trẻ luyện tập, tôi hiểu ra trong cuộc đua bơi lội này, thời gian không tính bằng ai về đích trước mà là ai biết cách sống sót dưới nước lâu nhất.
Trước mắt tôi, những đứa trẻ chỉ 4 - 7 tuổi, chưa đứa nào thực sự biết bơi đang học cách cứu nhau dưới nước. Phải mặc cả quần dài, áo dài tay nhảy xuống, đứa thì đứng trên bờ quăng dây, đứa hì hục kéo bạn dưới nước. Bắt đầu 5 tuổi trẻ luyện bơi theo giờ học chính thức ở trường mẫu giáo, chúng được dạy kỹ thuật sống sót dưới nước song hành học bơi. Chậm nhưng bài bản, chắc chắn. Một cô bạn của tôi từng làm việc ở Thụy Điển vài năm đồng tình: “Đấy chính là lý do hai đứa con tôi học 3 khóa bơi bên đấy vẫn chưa bơi ngon được. Về Việt Nam cho đi học lại chỉ 3 ngày bơi nhoay nhoáy. Bởi bên đó bọn trẻ được dạy cách sống sót dưới nước, cách học lấy hơi, lặn, cứu người đuối nước, sơ cứu người đuối nước... trước khi học bơi thuần thục. Còn ở nhà, học bơi có nghĩa là học để có thể bơi và chỉ duy nhất kỹ năng ấy”. Nghe một người bạn khác nói ở Hà Nội hiện cũng có khóa học bơi sinh tồn, nhưng đăng ký cả mấy tháng mới đến lượt. Chờ đợi để cập nhật những kiến thức cơ bản lẽ ra cần song hành học ngay từ đầu, chẳng phải lại là câu chuyện sử dụng thời gian ra sao. Trong khi chuyện sống sót dưới nước, chỉ vài tích tắc nắm kỹ thuật trong tay đã có thể cứu được mạng người khác và bảo vệ chính mình.
Nhân đây, cũng cô bạn từng ở Thụy Điển chia sẻ quan điểm giáo dục tâm đắc khác: “Ở Thụy Điển, nếu trẻ học kém thì học lại thôi và không bị gọi là học đúp đâu nhé. Quan điểm mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, đồng nghĩa có điểm yếu, nên giáo dục giúp phát huy điểm mạnh (học với các anh chị lớp trên vài môn) và hạn chế điểm yếu (bổ sung lại kiến thức cùng các em lớp dưới). Kém môn gì chỉ cần bổ sung môn đó, thật vô lý và lãng phí thời gian khi bắt phải ở lại lớp để học lại tất cả các môn, cả những môn không kém”.
Albert Einstein nói Cuộc sống cũng giống như đi xe đạp: Để giữ cân bằng, ta phải liên tục chuyển động. Biết đâu bằng cách hái dâu, vị giáo sư nọ không những thay đổi được tình trạng thất nghiệp mà còn mở ra cơ hội trở lại với lao động hàn lâm chính từ quá trình lao động chân tay giản đơn?
KIỀU BÍCH HƯƠNG