Đã có đến 9 chủ ngựa đồng loạt rút tên trong đợt đua thứ 3 kỳ 42 diễn ra vào ngày 2-6 vừa qua. Vì vậy, đợt đua này chỉ còn... 3 ngựa dự tranh và là lần đầu tiên giới tuyệt phích không thể tham gia đánh cá (vì quá ít ngựa). Và sự kiện chấn động này còn tiếp diễn với những sự cố khác...
- Sự cố đã được báo trước

Dù nài đã cố kềm hãm tốc độ, nhưng chú ngựa Baby Cham (số 10)của Malaysia vẫn về đầu. Ảnh: H.D
8 giờ sáng thứ Hai (28-5), BTC tiến hành “khui thơ” (công bố danh sách ngựa đua vào ngày 2-6, kỳ 42). Thấy có tên ngựa Baby Cham (ngựa Malaysia của Công ty Thiên Mã) tham gia tranh tài cùng các chú ngựa Việt khác trong nhóm 8-9, các chủ ngựa Việt phản ứng gay gắt. Họ tuyên bố sẽ tẩy chay nếu để con ngựa ngoại này vào tranh tài ngày thứ Bảy.
13g30 thứ Bảy (2-6), BTC thông báo ngựa dự đua đợt 3 và đúng như tiên đoán, 9 con ngựa Việt: Tiểu Bá Vương, Kaka, Lan Hương, Nữ Phụng Hoàng, Paulass, Samson, Apollo, Bá Phong và Hồng Đính Vân lần lượt rút tên, không dự đua. Chỉ còn 3 ngựa tranh tài là: Best Gift, Saphô và... chú ngựa ngoại Baby Cham. Ông Mai Văn Giỏi - chủ ngựa Tiểu Bá Vương bức xúc: “Tôi chấp nhận kỷ luật ngựa 2 tuần để phản đối hành động cạnh tranh không lành mạnh này. Thậm chí từ nay về sau, nếu còn xuất hiện bất cứ ngựa nào có nguồn gốc ngoại thì tôi cũng xin rút tên ngựa của mình ra khỏi cuộc đua”.
- Baby Cham là “ai”?
Gần đây, Công ty Thiên Mã (đơn vị đã đưa 40 ngựa thuần chủng về trong đợt khánh thành Saigon Racing Club cách đây 2 năm) có nhập về 7 con ngựa có nguồn gốc từ Malaysia (theo Công ty Thiên Mã cho biết thì đây là ngựa cỏ gốc Malaysia) và được thông báo là sẽ thi đấu cùng với các ngựa Việt. Từ trước đến nay, ngoài ngựa thuần chủng (giống ngựa đua ưu việt nhất thế giới) là buộc phải đua riêng theo nhóm thuần chủng bằng luật quốc tế, các nhóm ngựa từ 3-9 đều là ngựa có nguồn gốc Việt lai (mẹ là ngựa gốc Việt, cha là ngựa giống Khứu hoặc Vang được CLB Phú Thọ nuôi dưỡng và phối giống).
Cái lo của các chủ ngựa Việt có cơ sở vì nếu là ngựa Việt lai thì chất lượng có thể cạnh tranh nhau được, còn nếu là ngựa ngoại (cụ thể ở đây là ngựa gốc Malaysia) thì rất khó truy nguyên nguồn gốc. Một chủ ngựa Việt cho biết: “Từ trước đến nay, đã là ngựa phân nhóm thì chỉ ngựa có nguồn gốc Việt tranh tài mà thôi. Công ty Thiên Mã đưa những con ngựa từ Malaysia vào là làm khó chúng tôi. Nếu đây là những ngựa thuần chủng... bị đẹt có chiều cao thấp nên được xếp chung với nhóm ngựa chúng tôi, thì ai mà chơi cho lại”.
- BTC “xé rào”
Điều 17 trong Luật đua ngựa Việt Nam quy định rõ: “Việc đo ngựa được CLB thể thao Phú Thọ tổ chức hàng năm vào những tháng thuộc quý 4”. Việc đo ngựa là để phân định nhóm ngựa và thông thường phải 2 đến 3 tháng sau khi đo, ngựa mới chính thức góp mặt tại mã trường. Vậy mà đùng một cái, vào ngày 18-5 (không phải quý 4), BTC lại tiến hành đo ngựa bổ sung và đưa tên 7 con ngựa cỏ Malaysia này vào danh sách thi đấu ngay. Baby Cham và Lamading Time thuộc ngựa nhóm 9 và 5 con còn lại là Dusty Dollar, Flying Age, Gaya Mas, Red God, Universal Prince thuộc nhóm 8.
Sự xé rào của BTC càng khiến giới chủ ngựa Việt phẫn nộ hơn bởi họ nghĩ rằng Công ty Thiên Mã cố tình muốn thống trị 2 nhóm ngựa có tiền thưởng cao nhất trong loại ngựa lai phân nhóm bằng mọi cách (ngựa nhóm 9 về nhất có tiền thưởng từ 9 đến gần 12 triệu đồng, tùy theo ngựa đã có thành tích hay chưa, trong khi ngựa về nhì chỉ được 3,5 triệu đồng). Cần nói thêm, đây là nhóm ngựa có chi phí nuôi dưỡng và tập dợt rất cao, nuôi ngựa mà không lấy được thành tích thì lỗ chết.
- Sai lại càng sai
Tuy chỉ còn 3 ngựa dự tranh, và không thể tổ chức đánh cá, nhưng giới tuyệt phích vẫn nóng lòng theo dõi cuộc đua tam mã này để ít ra có thể đánh giá chất lượng của ngựa ngoại trong lần xuất chuồng đầu tiên đầy tai tiếng. Và sự cố lại tiếp diễn, khi trên đường đua, nài Thắng (người cưỡi con Baby Cham) liên tục níu cương để hãm tốc độ của chú ngựa này trong sự la ó và phẫn nộ của các chủ ngựa Việt (vừa rút tên ngựa dự đua). Nhưng ngựa nào, chất lượng đó, Baby Cham vẫn về nhất dễ dàng trong nỗ lực níu kéo, kìm hãm của nài. Lần đầu tiên, một con ngựa không cần dùng roi thúc vẫn thắng cuộc. Một chủ ngựa bất mãn mỉa mai: “Họ không muốn con ngựa Malaysia ấy về đầu, nhưng nó vẫn cứ thắng!”.
Đây là một scandal hy hữu tại trường đua Phú Thọ, và nếu không có những xử lý kịp thời, có lẽ thời gian tới, mã trường này sẽ còn nhiều sóng gió.
HOÀNG VĂN