Ngay sau khi bị Thủ tướng Israel Netanyahu “lên lớp” (về vấn đề hòa bình Trung Đông và đề xuất trở về đường biên giới năm 1967), ngày 22-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama lại tuyên bố tiếp tục ủng hộ việc lấy đường biên giới năm 1967 để làm cơ sở đàm phán giữa Israel và Palestine.
Có thể thấy chưa bao giờ Mỹ cứng rắn với đồng minh Trung Đông thân cận nhất của mình như thế. Các đời chính phủ Mỹ dường như đều rất “chiều chuộng” Israel, luôn bênh vực nước này trước cộng đồng quốc tế dù chính quyền Tel Aviv nhiều lần vi phạm luật pháp quốc tế. Một cựu thuyết khách của Israel diễn giải thái độ của ông Obama như sau: Về cơ bản ông nói rằng “Tôi có thể tiếp tục bảo vệ các anh nhưng nếu các anh không chứng tỏ muốn hợp tác thì nước Mỹ không thể cứu các anh”.
Năm ngoái, Washington cũng từng gây sức ép đối với Tel Aviv buộc ngừng các dự án mở rộng khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem nhưng không thành do “đứa con cưng” không đồng ý và sau đó, vì nhiều lý do mang tính truyền thống, họ buộc phải chiều lòng Israel.
Việc công khai thái độ cứng rắn đối với Israel của Tổng thống Barack Obama làm nhiều người ngạc nhiên. Dĩ nhiên Palestine và các thành viên trong Nhóm bộ tứ về Trung Đông là Nga, EU và LHQ hoan nghênh tuyên bố của ông Obama. Nhưng những người theo trường phái đa nghi thì cho rằng đằng sau đó luôn ẩn chứa lợi ích của Mỹ.
Vừa qua, 130 nước trong tổng số 190 nước thành viên LHQ đã đồng ý ủng hộ việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập và sẽ đưa ra Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu vào tháng 9 tới. Với tỷ lệ ủng hộ áp đảo như thế, dù có hay không sự ủng hộ của Mỹ, Nhà nước Palestine sẽ ra đời. Nếu điều đó xảy ra thì nước Mỹ, quốc gia có quá trình bảo trợ nền hòa bình Trung Đông lâu dài, sẽ bị mất mặt, vai trò “anh cả” của Mỹ trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông Obama đưa ra giải pháp về đường biên giới năm 1967 để gây áp lực mạnh với Israel nhằm cứu vãn vai trò trung gian hòa giải của Mỹ.
Mục đích thứ hai của ông Obama có thể còn được xem là “chiêu thức” lấy lòng một số quốc gia Arab. Sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden vừa qua, thế giới Arab có nhiều phản ứng trái chiều với vụ đột kích của Mỹ. Để khẳng định “chính sách Mỹ mong muốn làm bạn với thế giới Arab”, ông Obama lựa chọn giải pháp khó khăn là làm mất lòng Israel nhưng lại bác được quan điểm cho rằng Washington không thể nào là một nhà trung gian hòa giải vô tư cho hòa bình Trung Đông. Xoa dịu thế giới Arab hiện nay là điều hết sức quan trọng với đương kim tổng thống Mỹ khi Mỹ đang ra sức cổ vũ cho phong trào đấu tranh đòi dân chủ, cải cách chính trị tại các quốc gia Arab.
Những người theo quan điểm lạc quan nhận định, có khả năng ông Obama không chịu đựng được nữa thái độ bảo thủ và không vâng lời của Tel Aviv và kiên quyết đưa tiến trình hòa bình Trung Đông đi đúng hướng.
Nhưng dù thế nào thì đây vẫn là lựa chọn khó khăn cho ông Obama bởi quan hệ hai nước không chỉ là đồng minh truyền thống, đặt trên cơ sở lợi ích hai phía mà cộng đồng người Do Thái ở Mỹ đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế chính trị của nước này. Họ chỉ có 7 triệu người nhưng chiếm 45% trong tốp 40 người giàu nhất nước Mỹ, chiếm 20% số giáo sư hàng đầu ở Mỹ, 40% các đối tác của các công ty luật và nắm giữ 80% các tổ chức truyền thông.
ĐỖ VĂN
- Thông tin liên quan:
>> Hòa bình Trung Đông: Mỹ và Israel bất đồng sâu sắc