Trong cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo hôm 16-4, Bộ trưởng Công nghiệp Argentina tuyên bố chính phủ nước này sẽ quốc hữu hóa 51% cổ phần (trị giá 5 tỷ USD) công ty dầu khí lớn nhất nước YPF, hiện do Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha kiểm soát.
Lý do vì YPF không có lộ trình cho việc đầu tư, khai thác cụ thể thích hợp cho những năm tới. Tây Ban Nha xem quyết định của Argentina là không hợp pháp và phân biệt đối xử, gây tổn hại nghiêm trọng trong lĩnh vực hợp tác thương mại giữa hai nước và dọa sẽ có biện pháp trả đũa mạnh mẽ.
Thực tế, Argentina hiện đang lâm vào hoàn cảnh khủng hoảng năng lượng. Trong năm 2011, nước này đã phải chi 3,029 tỷ USD cho nhập khẩu dầu khí và dự kiến con số này sẽ tăng lên 10 tỷ USD trong năm nay. 4 năm trước, Argentina cũng đã quốc hữu hóa hãng hàng không lớn nhất nước là Aerolineas Argentinas, khi ấy thuộc sở hữu tập đoàn Marsans của Tây Ban Nha. Cùng lúc, Argentina cũng quốc hữu hóa các quỹ đầu tư hưu trí nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động nghỉ hưu sau khi số liệu cho thấy quỹ này bị mất gần 20% giá trị do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tại châu Mỹ, Venezuela là quốc gia đi đầu về quốc hữu hóa. Năm 2009, Venezuela đã quốc hữu hóa gần 40 công ty dầu khí của nước này và chuyển giao cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA quản lý, chấp nhận việc phải bồi thường thiệt hại cho các tập đoàn nước ngoài. Một trong những vụ bồi thường gây tranh cãi là việc Hội đồng thương mại quốc tế (ICC) ngày 3-1 ra phán quyết buộc PDVSA bồi thường 908 triệu USD cho Tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil.
Venezuela khẳng định 255 triệu USD là câu trả lời cuối cùng. Ngoài dầu khí, Venezuela đã tiến hành quốc hữu hóa ngành điện, viễn thông, thép, khai thác vàng và hiện đang có kế hoạch quốc hữu hóa ngành ngân hàng. Đối tượng được nhắm tới trước tiên là những ngân hàng từ chối tài trợ cho các dự án nông nghiệp do Chính phủ Venezuela xúc tiến. Ngoài Argentina, Venezuela, Bolivia cũng tham gia quốc hữu hóa. Nước này đã quốc hữu hóa ngành dầu khí từ năm 2006 trong khi Ecuador áp dụng mức thuế 70% vào lợi nhuận dầu mỏ.
Không chỉ các nước Nam Mỹ, khu vực châu Á cũng dần đi theo con đường quốc hữu hóa. Tháng 3 vừa qua, Indonesia - nền kinh tế lớn của Đông Nam Á áp dụng việc yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải chia sẻ ít nhất 51% lợi nhuận cho các đối tác trong nước trong vòng 10 năm. Quy định này nhằm đảm bảo các doanh nghiệp trong nước được tiếp cận các nguồn lợi khoáng sản của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế lâu dài của chính phủ.
Ngoài ra, người dân ở những nơi giàu tài nguyên cũng được hưởng lợi từ các dự án khai thác mỏ, từ đó tái đầu tư để bảo vệ môi trường và bù đắp những tác động xấu phát sinh trong quá trình khai thác năng lượng. Trung Quốc, Philippines, Mông Cổ cũng có những ràng buộc tương tự để bảo vệ lợi ích quốc gia. Ở châu Phi, khu vực đầy tiềm năng, đang có những chuyển mình tích cực cũng dần áp dụng một số chính sách hạn chế đối với các tập đoàn nước ngoài khi khai thác nguồn tài nguyên.
Có thể nói, việc quốc hữu hóa tài nguyên khi mới được áp dụng luôn vấp phải sự phản đối gay gắt cũng như sự ngần ngại đầu tư của các tập đoàn nước ngoài do lo sợ quyền lợi bị ảnh hưởng, hạn chế. Tuy nhiên, xu hướng trên âu cũng là lựa chọn tất yếu trong chiến lược phát triển lâu dài, bền vững của một quốc gia.
Như Quỳnh