Vừa chăm vừa dỗ
Chúng tôi bước vào Bệnh viện Nhi đồng thành phố, mặc dù bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại, sẽ hỗ trợ tối đa cho bệnh nhi, nhưng điều đó cũng không át được cảm giác lo lắng của chúng tôi. Vì khu vực điều trị này dành cho những ca trẻ em mắc Covid-19 chuyển nặng, có em chỉ hơn 3 tháng tuổi nhưng bệnh tim bẩm sinh cộng với mắc Covid-19, giường bệnh của em xung quanh toàn máy móc y tế hỗ trợ để giữ từng nhịp thở trong lồng ngực nhỏ xíu…
Ca bệnh vừa chuyển trên lầu 2 xuống, em 11 tuổi, đã sốt 3 ngày nay, chỉ cách nhau một tầng lầu nhưng khi nghe chuyển xuống phòng cấp cứu thì sợ đến phát khóc. “Nó khóc nãy giờ nên mệt, còn tui kết quả âm rồi”, dứt lời người mẹ quay sang dỗ dành con: “Không sao đâu con, có bác sĩ nè, bác sĩ khám bệnh cho con”.
Đứa trẻ nín khóc, nhưng vẫn còn sợ khi thấy bác sĩ bắt đầu thăm khám. Anh kể: “Bé nào cũng vậy hết á, mới vô là sợ lắm. Bé này còn đỡ nha, có bé nghe bác sĩ là sợ rồi khóc hoặc trốn sau lưng mẹ, bác sĩ khám chứ chưa có chích thuốc gì hết cũng khóc ré lên”. Những lúc như vậy thì phải có chiêu. “Có khi mình cầm kẹo hoặc cầm sẵn mấy món đồ chơi nhỏ nhỏ để dụ, vài ngày là quen, thấy bác sĩ là không còn sợ, hợp tác cho khám bệnh liền”, anh kể tiếp.
Không lạ gì với chuyện dỗ dành, chăm sóc trẻ em, vì công việc thường ngày của anh là bác sĩ nhi khoa, nhưng hôm nay phần việc thêm vất vả, vì điều trị trẻ em mắc Covid-19, đa phần sẽ có phụ huynh đi cùng và họ cũng là F0.
“Phụ huynh chăm con là F0, bệnh viện cũng hỗ trợ điều trị luôn, mỗi ngày thăm khám song song cho các bé và người thân đi cùng. Nhưng người thân là F0 nhẹ và không triệu chứng, trường hợp nào bệnh chuyển nặng thì buộc phải chuyển sang các bệnh viện điều trị Covid-19 cho người lớn, để họ được điều trị và chăm sóc tốt hơn, vì ở đây chỉ chuyên nhi”, bác sĩ Huỳnh Hữu Phước chia sẻ.
Và đã có những ca bệnh như vậy, phụ huynh phải chuyển sang bệnh viện khác để điều trị, hoặc ngày nhập viện chỉ có một mình bệnh nhi… Những lúc đó, ê kíp vừa làm chuyên môn, vừa kiêm luôn vai trò phụ huynh để chăm sóc các bé.
Sau những nhọc nhằn của đội ngũ y tế, là hơn chục ca bệnh sáng nay 10-9 xuất viện và những lời cảm ơn bằng hình vẽ đầy trên đra giường. “Có bé khỏe rồi thì lấy bút vẽ hoa vẽ lá đủ thứ lên drap giường để tặng cho các bác sĩ, điều dưỡng đã trị bệnh cho mình. Hình vẽ, chữ viết trẻ con ngô nghê lắm, nhưng đó là niềm vui, niềm động lực lớn để mọi người cố gắng”, bác sĩ Huỳnh Hữu Phước tâm sự.
Bé trai hơn 3 tháng tuổi mắc Covid-19 từ mẹ, nằm thiêm thiếp trên giường chăm sóc đặc biệt trong phòng áp lực âm, người mẹ trẻ ngồi gục đầu cạnh bên.
Chị tên Nguyễn Thanh P. (28 tuổi, ngụ Củ Chi) kể, gia đình có 5 người đều bị mắc Covid-19 từ ngày 25-8, cha mẹ đã điều trị khỏi, xuất viện về nhà, hiện còn chồng đang được trị bệnh ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi. Nhìn con trai với đủ loại dây, bình gắn quanh mình, chị P. nghẹn ngào cho biết, cách đây 1 tuần, bé không chịu uống sữa, có biểu hiện đơ người, tím môi, đưa con đi khám ở Bệnh viện huyện Củ Chi mới biết con bị mắc Covid-19 nên được chuyển gấp Bệnh viện Nhi đồng thành phố. “Hai mẹ con tôi được bác sĩ chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Hy vọng con sẽ vượt qua giai đoạn sinh tử này”, chị P. bày tỏ.
Rời dãy phòng áp lực âm, qua phòng cấp cứu - nơi đang có gần chục bệnh nhi nặng điều trị, chúng tôi gặp bệnh nhi Thái Thành Đ. (11 tuổi, ngụ Bình Trị Đông A, Bình Tân) vừa được chuyển từ khu điều trị F0 thể nhẹ lên do có triệu chứng trở nặng, đôi mắt con sưng vù, môi tím đỏ. Sau khi được mẹ dỗ dành, Đ. ăn một mạch hết nửa chén cháo, Đ. đòi mẹ gọi điện cho nói chuyện với ba. “Ba ơi, con muốn về, các bạn con được học lại gần 1 tuần rồi. Con nhớ trường, nhớ các bạn”, tiếng Đ. thút thít. Tiếng người cha vọng ra như nghẹn lại: “Con ngoan, nghe lời bác sĩ điều trị, hết bệnh ba vô rước con về đi học với các bạn”.
Nghe đoạn hội thoại giữa hai cha con, bác sĩ Nguyễn Bảo Sơn Tùng khom người làm biểu tượng hình trái tim động viên Đ. Anh kể, khu hồi sức điều trị Covid-19 của bệnh viện hiện có gần 40 bé bệnh nặng đến nguy kịch. May mắn nhất là các dấu hiệu trở nặng của các bệnh nhi đã được kiểm soát. Song vẫn cần phải theo dõi đặc biệt để xử lý nhanh nếu có biến chứng.
Chỉ tay về phía bé Huỳnh Thanh P. (gần 20 tháng tuổi, Vĩnh Lộc B, Bình Chánh) đang cười qua ô cửa phòng bệnh, bác sĩ Tùng nói, bé P. là “một dũng sĩ kiên cường”, bởi khi nhập viện bé đang trong tình trạng nguy kịch, nhưng giờ đã có thể vui đùa bên mẹ. Sau gần 10 ngày điều trị, tình trạng của bé cải thiện dần, thở HFNC giảm dần lưu lượng. Sau đó, được thở oxy qua cannula và giờ con đã khỏe, tự thở được với khí trời.
Tại khu điều trị F0 thể nhẹ, chị Cận Thị Thanh Tuyền (33 tuổi, quận 8), đang tất bật cho hai cậu con trai ăn tối. Nhiều lúc bé Nguyễn Thiên Ân làm nũng không chịu ăn, vậy là cậu anh Nguyễn Thiên Phúc mới 5 tuổi, nhưng đã tỏ ra người lớn “méc” bác sĩ, em không nghe lời mẹ, em hư; rằng hư là bác sĩ cho ở lại bệnh viện luôn.
Chị Tuyền xúc động: “Ở đây, người cho con ăn, người thay phiên dỗ dành cho chúng ngủ…, đến vệ sinh cá nhân của con, các bác cũng không từ nan. Mai 3 mẹ con được xuất viện rồi”.
“Chúng tôi vất vả một thì điều dưỡng vất vả 10, vì ngoài chăm sóc bệnh nhân còn phải nhận tiếp tế nhu yếu phẩm, đưa cơm nước cho bệnh nhi và người nhà đến từng phòng bệnh nhân. Có bạn chỉ nặng 45kg, nhưng phải bưng từ bình nước 20 lít, đến những thùng đồ nặng đi phân phát cho các phòng trong khi khẩu trang N95 bịt kín mũi miệng liên tục nhiều giờ, không ít lần có bạn đã bị choáng”, bác sĩ Tùng kể.
Bác sĩ Phan Thị Phương Tâm, Quyền điều hành khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, cho biết thêm, số bệnh nhi trước bị nặng không nhiều; nhưng gần đây số ca bệnh nặng có chiều hướng tăng nhanh, nhất là những bé có bệnh nền như: bệnh lý tim mạch, huyết học hoặc những bé dư cân béo phì, suy giảm miễn dịch… Những bé này có mắc Covid-19 kèm theo sẽ có diễn tiến nặng hơn so với những em bé bình thường. Chính vì vậy, việc điều trị cho các bé có bệnh lý nền được khoa theo sát diễn tiến mỗi ngày, đồng thời kết hợp với các chuyên khoa nhằm can thiệp, hỗ trợ đúng mức để bệnh nhi vượt qua, khỏe mạnh trở về với gia đình.
Bác sĩ Phan Thị Phương Tâm ví von, ở khoa Nhiễm, nhất là khu hồi sức, như một khoang tàu vũ trụ với âm thanh chủ đạo là những tiếng “tít tít” phát ra từ monitor, tiếng máy lọc máu... Còn các bác sĩ, điều dưỡng như những phi hành gia trong bộ quần áo trắng xóa, kín mít và nặng nề, nhưng di chuyển như con thoi giữa các phòng bệnh để liên tục đánh giá tình hình bệnh nhân, điều chỉnh máy thở, điều chỉnh máy lọc máu cho phù hợp với diễn biến bệnh. Từng phút, từng giờ, theo dõi sát từng thay đổi nhỏ trong sinh hiệu và triệu chứng của bệnh nhân, điều chỉnh việc điều trị và chăm sóc điều dưỡng cho thích hợp với mỗi thay đổi nhỏ nhất. Công việc căng thẳng và không kém phần nguy hiểm vì nguy cơ lây nhiễm luôn chực chờ.
Khi chúng tôi đi ngang khu điều trị bệnh nhi nhẹ, từ xa, một bà mẹ trẻ bế con vẫy tay chào bác sĩ: “Chào bác sĩ đi con, bác sĩ đẹp trai khám bệnh cho con đó!”… Ở đây, không ai thấy mặt ai vì đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chống giọt bắn đã kín mít, nhưng y bác sĩ vẫn luôn đẹp trong lòng họ, bởi đó là lá chắn, là điểm tựa sức khỏe và tinh thần để bệnh nhi vượt qua bệnh tật.
Và có lẽ niềm vui của người ở tuyến đầu, như bác sĩ Huỳnh Hữu Phước, hay hàng ngàn y bác sĩ khác ở TPHCM lúc này, chỉ bấy nhiêu là đủ. Một cái vẫy tay, hay một tiếng cười của bệnh nhân để họ biết rằng, nỗ lực và nhọc nhằn của họ đã giành lại hơi thở khỏe mạnh và bình an cho cộng đồng.
“Hơn 4 tháng qua, khoa đã điều trị cho trên 500 bệnh nhi mắc Covid-19, trong đó có 20 ca thở máy và có 2 ca tử vong. 99% các bé và người thân đều khỏe mạnh được xuất viện, trong đó có những trường hợp ở thể nặng, phải nằm hồi sức cấp cứu. Đây là niềm tin, là động lực để chúng tôi tiếp tục cuộc chiến cho đến khi chiến thắng đại dịch”, bác sĩ Phan Thị Phương Tâm chia sẻ. |