Sự suy thoái của các giải thưởng văn học

Mùa giải thưởng văn học hàng năm (từ tháng 10 đến tháng 12) xem như đã khép lại. Các giải thưởng đã được trao nhưng một lần nữa, câu hỏi lớn được đặt ra là các giải thưởng văn học trong nước đang đóng góp gì cho sự phát triển văn học trong nước?
Sự suy thoái của các giải thưởng văn học

Mùa giải thưởng văn học hàng năm (từ tháng 10 đến tháng 12) xem như đã khép lại. Các giải thưởng đã được trao nhưng một lần nữa, câu hỏi lớn được đặt ra là các giải thưởng văn học trong nước đang đóng góp gì cho sự phát triển văn học trong nước?

Chật vật giải chính quy

Hiện nay, hệ thống giải thưởng văn học trong nước tựu chung có thể chia thành 2 bộ phận là giải của các hội chuyên ngành và của các tổ chức bên ngoài lĩnh vực văn học. Thuộc hệ thống chuyên ngành, nổi bật có giải văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn TPHCM. Giải thuộc các tổ chức khác phải kể đến Văn học tuổi 20 (phối hợp giữa Hội Nhà văn TPHCM, Báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ), giải Sách hay (Viện IRED), giải truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam đang chật vật vượt qua những khủng hoảng về dư luận, sau một loạt trường hợp từ chối nhận giải hay thậm chí là tố cáo các khuất tất xung quanh giải thưởng này. Dù rằng những vấn đề trên không có chứng cứ nhưng việc một giải thưởng lớn mỗi lần trao giải lại bị tranh cãi về tính công minh, công bằng, ít nhiều đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò của giải đối với đời sống văn học trong nước.

Đại diện cho hai địa phương có đông tác giả nhất nước, các giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn TPHCM luôn được đánh giá rất cao. Như giải của Hội Nhà văn TPHCM từng được bạn đọc quan tâm khi giới thiệu những cây bút trẻ, tác giả mới, có cách thể hiện độc đáo. Thế nhưng, do một số lý do cả chủ quan lẫn khách quan, giải mất dần sự chú ý của bạn đọc, yếu tố trẻ cũng bị bỏ lơi khi liên tục nhiều năm không trao giải cho các tác giả trẻ. 

Giải của Hội Nhà văn Hà Nội nhiều năm liên tục được đánh giá cao về giá trị của các tác phẩm cũng như cách làm chuyên nghiệp. Thế nhưng, sự kiện nhà thơ Phan Huyền Thư với tác phẩm đoạt giải bị phát hiện đạo thơ đã làm lung lay uy tín của giải này và như chính đại diện Hội Nhà văn Hà Nội thừa nhận là sẽ xem lại quy trình xét duyệt tác phẩm sau này.

Đầy tham vọng khi ra mắt, giải thưởng Sách hay mang đến kỳ vọng làm một “Goncourt của Việt Nam” (giải thưởng danh giá nhất về văn học của Pháp, tuy không có giá trị vật chất cụ thể nhưng có giá trị về ý nghĩa lớn). Tuy nhiên, do tiêu chí của giải không rõ ràng, chỉ tập trung trao cho các tác phẩm quá cũ, thậm chí còn để xảy ra sơ sót trao giải cho tác phẩm tái bản cẩu thả, nhiều lỗi đã khiến giải thưởng này cũng dần mất đi sự chú ý của bạn đọc.

Giải thưởng Văn học tuổi 20 giới thiệu được nhiều cây bút mới xuất sắc

Trong số hàng loạt giải thưởng văn học trong nước hiện nay, có lẽ giải thưởng Văn học tuổi 20 vẫn được xem đáng chú ý nhất. Đây là giải được đánh giá đã góp phần tìm kiếm nhiều cây bút mới cho văn đàn trong nước nhất hiện nay. Bên cạnh đó, việc tập trung viết cho giới trẻ, để người trẻ viết cũng góp phần phản ánh được nhu cầu đọc và viết của giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, cũng vì hướng vào đối tượng tác giả, bạn đọc cụ thể nên giải không thể mở rộng, chỉ có thể gói gọn trong quy mô của riêng mình.

Vinh danh hay hoài nghi?

Vai trò của các giải thưởng văn học là chủ đề chính của hai cuộc tọa đàm vừa được tổ chức ở Hà Nội và TPHCM. Điều đáng nói, các nhà văn, bạn đọc tham gia tọa đàm đều nêu lên thực tế trong nước hiện nay là thay vì đóng vai trò tìm kiếm, giới thiệu, vinh danh tác giả, tác phẩm thì các giải thưởng văn học hiện lại trở thành tâm điểm của sự hoài nghi, dè chừng mỗi khi trao giải. Mà điều đáng nói, sự hoài nghi, dè chừng lại đến từ các yếu tố bên ngoài văn chương như quan hệ cá nhân, yếu tố quyền lợi… Kết quả, có tác giả ngại nhận giải thưởng vì thế nào cũng bị đồn là “thế này thế nọ” mới có giải.

Lý giải hiện tượng này, bài học của giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội có thể xem là một ví dụ. Mỗi tác phẩm được giải đều được phê bình cụ thể bởi những cây bút phê bình tên tuổi. Họ trình bày cụ thể những điểm hay, điểm dở của tác phẩm, lý do trao giải được chứng minh cụ thể bằng tác phẩm phê bình. Chính vì điều đó nên ảnh hưởng của giải ngày càng tăng cao. Vẫn có những tranh luận, nhưng khi đó tranh luận đã chuyển qua tính học thuật, góp phần mở ra những vấn đề mới trong sáng tác chứ không quanh quẩn những vấn đề bên ngoài sáng tác. Ngay cả trường hợp đạo thơ vừa qua, các nhà lý luận vẫn khẳng định đó là tác phẩm hay, xứng đáng được trao giải, lỗi chỉ ở chỗ hội đồng giám khảo đã không thể đọc hết các sáng tác để biết được tác phẩm có sao chép của ai hay không.

Chính vì thế, khi nói về việc suy thoái các giải thưởng văn học hiện nay, nguyên nhân chính vẫn được quy về việc còn thiếu một nền phê bình tương xứng với sự phát triển của nền văn học. Không có phê bình sẽ không có công cụ để bảo vệ, chứng minh hay làm chỗ dựa cho các giải thưởng. Và như thế giải thưởng văn học sẽ rất khó để thực sự được đúng vai trò của mình đối với nền văn học hiện nay.

Thời gian qua, thị trường sách trong nước xuất hiện một dạng giải thưởng khác, cũng liên quan đến sách văn học nhưng theo hướng ngược lại với các giải kể trên. Đó là giải của những người bán sách, thay vì chọn tác phẩm theo các tiêu chí nghệ thuật, giá trị văn học…, các giải này sẽ chọn tác phẩm theo hướng “được nhiều người quan tâm nhất”. Tiên phong trong các giải này là giải Sách được bạn đọc yêu thích do Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) tổ chức. Gần đây nhất, nhà bán lẻ trực tuyến Tiki cũng tổ chức giải riêng cho sách nhưng tập trung vào việc ghi nhận tựa sách bán chạy nhất.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục