Vẫn biết sinh – tử là quy luật của tự nhiên, nhưng khi hay tin Giáo sư Trần Văn Giàu ra đi, lòng chúng tôi – những môn sinh của ông – không khỏi đau đớn.
Còn nhớ cách nay chưa đầy bốn tháng, nhân dịp ông bước vào tuổi 100, trên Báo SGGP ngày 2-9-2010, tôi nhắc lại ba quyết định quan trọng của ông trong năm 1945: tổ chức Thanh niên tiền phong thành một đạo quân chính trị trong thời gian ngắn nhất; ra lệnh khởi nghĩa khi thời cơ đến; phát động kháng chiến ngay khi thực dân ra mặt xâm lược.
Năm tháng đi qua càng chứng minh ba quyết định ấy vô cùng sáng suốt và kịp thời. Không có ba quyết định ấy, chẳng biết dòng lịch sử sẽ chảy về đâu, song chắc chắn là theo chiều hướng bất lợi.
Chỉ vài tháng sau khi cuộc kháng chiến ở Nam bộ bắt đầu, vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được triệu tập ra Bắc, lòng ông rối bời. Ông lo đồng bào Nam bộ hiểu nhầm, cho ông là “gà rót” (chữ ông dùng), mới kêu gọi kháng chiến mà đã sớm rời bỏ chiến trường. Nhưng lệnh đòi thì phải đi…
Ra Bắc, ông xin trở về Nam tiếp tục chiến đấu, nếu không thì cho ông sang Thái Lan để tiếp sức cho chiến trường. Thái Lan là nơi Bác Hồ từng hoạt động trong những năm 1928-1929, bà con Việt kiều yêu nước đông đảo. Đặc biệt, thủ tướng Pridi Phanomyong là bạn ông, rất ủng hộ công cuộc bảo vệ độc lập tự do của Việt Nam.
Sang Thái Lan với danh nghĩa Ủy viên quân sự hải ngoại, ông đi đến những nơi có đông Việt kiều, kêu gọi bà con góp sức cho kháng chiến. Nhiều thanh niên xung phong gia nhập các đơn vị bộ đội hải ngoại, về Nam bộ sát cánh cùng đồng bào đánh giặc. Nhiều người trong số họ sau này trở thành sĩ quan cấp tá, cấp tướng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, có người được phong danh hiệu anh hùng (như Ngô Thất Sơn, Bông Văn Dĩa…).
Muốn chiến đấu, phải có vũ khí. Các binh công xưởng trong nước sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu kháng chiến. Do đó, ông tổ chức ngay một mạng lưới bí mật mua sắm vũ khí, thuốc men, dụng cụ truyền tin… đưa về Nam bộ bằng đường biển (qua vịnh Thái Lan) hay đường bộ (xuyên qua lãnh thổ Campuchia). Về sau, mạng lưới đó mở rộng tới Myanmar, Singapore, Philippines.
Lượng vũ khí chuyển về Nam bộ mỗi năm lên tới hàng trăm tấn, góp phần tạo điều kiện cho bộ đội ta đánh thắng quân xâm lược.
Không chỉ hoạt động trên lãnh vực quân sự, ông còn xông xáo trên mặt trận ngoại giao. Từ 23-3 đến 2-4-1947, ông thay mặt Việt Nam, cùng với hơn 190 đại biểu của 28 nước châu Á, tham dự Hội nghị liên Á tổ chức tại New Delhi của Ấn Độ. Ngày 30-3, từ diễn đàn hội nghị, ông kêu gọi các nước giúp đỡ cuộc kháng chiến của Việt Nam chống thực dân Pháp. Ông nói: “Điều cần thiết ở châu Á lúc này không phải là một khối trung lập, mà là một liên minh chiến đấu để bảo vệ tự do!”
Pandit Nehru bày tỏ “thiện cảm đối với cuộc đấu tranh vì tự do của Việt Nam”, trong khi các đại biểu Indonesia và Myanmar “hy vọng nền tự do mà nhân dân Việt Nam vừa giành được (trong Cách mạng Tháng Tám) không thể bị cướp mất, trái lại sẽ được toàn thể các nước châu Á bảo vệ”.
Tiếp nối tinh thần Hội nghị liên Á, tháng 9-1947, ông cùng một số trí thức và nhà hoạt động chính trị các nước Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Lào họp tại Bangkok để thành lập Liên minh Đông Nam Á.
Hiến chương của tổ chức này nhấn mạnh: “Các dân tộc Đông Nam Á tin chắc rằng tự do, hạnh phúc và an ninh của họ sẽ được đảm bảo một cách hữu hiệu hơn bằng cách kết nối các nỗ lực cho việc hoàn thành lý tưởng và ước nguyện chung”. Ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Liên minh.
Với lòng yêu nước nồng nàn, nghị lực phi thường và trí thông minh sáng tạo, ông đã vượt qua mọi nghịch cảnh đi tới thành công. Ông tâm sự: “Đời tôi trải qua nhiều bước thăng trầm, có lúc sa vào hoàn cảnh éo le, nhưng tôi luôn giữ tinh thần lạc quan, vì tôi tin tưởng rằng cuối cùng sự thật sẽ chiến thắng!”.
Đó là bài học lớn nhất mà nhà cách mạng lão thành – nhà sử học uyên bác Trần Văn Giàu đã dạy chúng tôi. Hôm nay, vĩnh biệt thầy, chúng tôi xin hứa sẽ viết tiếp những trang sử dở dang mà thầy để lại…
TS. PHAN VĂN HOÀNG