Hôm qua 3-11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Theo các chuyên gia, dự luật đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng và tương đối toàn diện nhằm khắc phục những bất cập hiện nay của TTCK. Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi, bổ sung luật vẫn còn hạn hẹp, chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để những vấn đề phát sinh.
- Huy động gần 200.000 tỷ đồng
Qua hơn 3 năm thực hiện, Luật Chứng khoán đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, đảm bảo TTCK hoạt động, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả; giúp TTCK phát huy vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.
|
Tính đến hết năm 2009, mức vốn hóa thị trường đạt 37,6% GDP, tăng 3 lần so với năm 2008. So với thời điểm năm 2005, khối lượng giao dịch tính đến hết năm 2009 tăng gấp 96 lần, số công ty niêm yết là 457, tăng 11,1 lần.
Thông qua TTCK, các doanh nghiệp, Chính phủ đã huy động vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Riêng 3 năm qua, tổng khối lượng huy động vốn qua TTCK gần 200.000 tỷ đồng, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng gần 2 lần, từ mức 4,5 tỷ USD năm 2007 lên gần 9 tỷ USD năm 2009.
Bên cạnh đó, nhờ có TTCK, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được thực hiện thuận lợi hơn và ngày càng công khai, minh bạch. Trong 3 năm qua, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa theo hình thức đấu giá trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và Hà Nội chào bán trên 1.147 triệu cổ phần, giá trị gần 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thực hiện trong thời gian này, Luật Chứng khoán đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Lấp “khoảng trống” pháp lý
Hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ là thực hiện chào bán hạn chế số lượng nhà đầu tư đã được đề cập trong Luật Doanh nghiệp năm 2005. Do có tính chất đan xen giữa chào bán riêng lẻ và chào bán chứng khoán ra công chúng, đòi hỏi Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp cần có quy định rõ để tránh những “khoảng trống” trong quy định pháp luật.
Vì thế việc cần thiết phải bổ sung vào Luật Chứng khoán quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ, cũng nhằm để lấp “khoảng trống” này. Bên cạnh đó, cần phải hạn chế chuyển nhượng cổ phần nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng phát hành CP với số lượng hạn chế rồi chào bán tiếp ra công chúng.
|
Với mục đích đó, dự luật lần này quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ tối thiểu 1 năm. Mặt khác, dự luật cũng đưa ra quy định các đợt chào bán cổ phần, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng, vì trái phiếu chuyển đổi có thể chuyển thành CP nên việc đưa ra quy định này nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng chào bán riêng lẻ cho những đối tượng nhất định dẫn đến “pha loãng” sở hữu của các cổ đông khác.
Việc chào bán chứng khoán ra công chúng hiện nay đang thực hiện theo Điều 12 của Luật Chứng khoán. Quy định này khá chặt chẽ, đảm bảo chất lượng của các chứng khoán phát hành.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có các quy định ràng buộc các công ty đại chúng phải đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức. Do vậy, các giao dịch chứng khoán được thực hiện ở cả thị trường có tổ chức và thị trường tự do. Có những doanh nghiệp phát hành chứng khoán ra công chúng nhưng lại không niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán.
Điều này làm cho chứng khoán không có tính thanh khoản, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông. Việc giao dịch chứng khoán trên thị trường tự do sẽ thiếu tính minh bạch do không có đủ thông tin một cách chính thống, mặt khác các giao dịch này không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, chứa đựng rủi ro, có khả năng dẫn tới lừa đảo và gây tác động bất lợi với thị trường chính thức.
Để khắc phục tình trạng trên, dự thảo luật đã bổ sung quy định về điều kiện chào bán CP ra công chúng theo hướng khi đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, các doanh nghiệp phải cam kết đưa chứng khoán chào bán ra công chúng niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Quy định trên sẽ có tác động tích cực trong việc thu hẹp và giảm thiểu rủi ro trong giao dịch chứng khoán trên thị trường tự do, góp phần thúc đẩy thị trường giao dịch có tổ chức; nâng cao trách nhiệm của tổ chức phát hành đối với việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông trong giao dịch chứng khoán; tạo cơ sở pháp lý cho quản lý nhà nước trong quản lý giao dịch và thị trường chứng khoán. Mặt khác sẽ thúc doanh nghiệp kết thúc đợt chào bán phải có kế hoạch lên sàn, tránh tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư.
Về tỷ lệ sở hữu, Luật Chứng khoán hiện hành quy định nhà đầu tư mua CP có quyền biểu quyết dẫn đến sở hữu 25% trở lên số CP đang lưu hành phải chào mua công khai. “Quy định này là đúng nhưng chưa đủ, vì có trường hợp nhà đầu tư sở hữu đến 25% CP có quyền biểu quyết và có nhu cầu mua cao hơn tỷ lệ này; trong trường hợp này vẫn phải tuân thủ nguyên tắc chào mua công khai. Vì vậy cần phải quy định rõ hơn trong luật, để đảm bảo quản lý giám sát của cơ quan nhà nước; đồng thời khắc phục tình trạng nhà đầu tư lách luật mà cơ quan quản lý không xử lý được” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.
- Tăng chế tài xử phạt
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết cùng với sự phát triển của thị trường, ngày càng xuất hiện nhiều dạng vi phạm mới, tinh vi hơn, phức tạp hơn mà Luật Chứng khoán không thường xuyên thay đổi để bổ sung các quy định, cũng như rất khó lượng hóa hết các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt.
Do vậy, để đảm bảo xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm trên thị trường, Luật Chứng khoán cần bổ sung quy định nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm mới và chế tài xử phạt đối với những hành vi chưa được quy định trong Luật Chứng khoán.
Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, được Chính phủ trình kèm với dự án luật lần này, sẽ bổ sung một số chế tài. Chẳng hạn, sẽ phạt tiền 70-100 triệu đồng đối với tổ chức phát hành là công ty đại chúng có quy mô lớn không thực hiện cam kết đưa chứng khoán chào bán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Các vi phạm quy định về thực hiện chào bán chứng khoán riêng lẻ cũng sẽ bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng. Hành vi giả mạo hồ sơ chào bán, hoặc sử dụng thủ đoạn gian dối để thực hiện chào bán trái với quy định của pháp luật bị phạt rất nặng: từ 150-200 triệu đồng.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng hiện nay trên thị trường xuất hiện không ít các hành vi thao túng thị trường, kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường chứng khoán nhưng chưa được xử lý nghiêm khắc.
Chẳng hạn, một số nhà đầu tư cấu kết thực hiện các giao dịch giả mạo để làm tăng hoặc giảm giá một số mã chứng khoán, qua đó đầu cơ kiếm lời. Một trong những lý do chưa ngăn chặn và xử lý được các hành vi này là do cơ quan quản lý nhà nước chưa có đủ công cụ và thẩm quyền để xác minh bằng chứng gian lận.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền của UBCKNN trong việc xác minh bằng chứng gian lận, giúp tăng cường phòng chống, phát hiện và xử lý các hành vi gian lận.
Hàm Yên – Quang Minh