Tuần này, Quốc hội (QH) sẽ có buổi thảo luận đầu tiên về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp sửa đổi có 3 nội dung quan trọng, đó là xác định chính thể; quyền con người, quyền công dân; thể chế bộ máy nhà nước. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH, về vấn đề này.
- Phóng viên: Thưa ông, lần sửa đổi Hiến pháp này xác định chính thể như thế nào?
Ông ĐINH XUÂN THẢO: Thứ nhất, chúng ta lựa chọn chính thể nào thì thiết kế Hiến pháp theo chính thể đó. Trong chính thể của chúng ta không xác định là nhà nước cộng hòa hay nhà nước liên bang như một số nước. Ta xác định rõ, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Hiến pháp sửa đổi cũng tiếp tục khẳng định rõ về chủ quyền nhân dân, tức tất cả những quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân và quyền lực đó được phân công, phối hợp, kiểm soát trong việc thực hiện 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đồng thời khẳng định rõ, nhân dân trao quyền lực của mình cho cơ quan nhà nước như một hình thức để sử dụng quyền lực thông qua người đại diện.
Bên cạnh đó, nhân dân thực hiện trực tiếp quyền lực chính trị của mình, đó là tham gia để quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, của địa phương bằng lá phiếu của mình, ví dụ như thông qua trưng cầu ý dân. Chẳng hạn những vấn đề lớn như có xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay không, sáp nhập tỉnh này tỉnh kia, mở rộng thủ đô hay không… theo quy định trong Hiến pháp sửa đổi sẽ phải đưa ra để trưng cầu ý dân, dân sẽ bỏ phiếu giống như đi bầu cử. Đó là điều mới của sửa đổi lần này, thể hiện Nhà nước ta, nhân dân thực sự là người chủ đất nước. Đấy là cốt lõi của thể chế chính trị.
Thứ hai, Hiến pháp theo đúng chế độ của chúng ta: Đảng lãnh đạo, một đảng. Chế độ chính trị của ta là Đảng CSVN lãnh đạo Nhà nước, xã hội. Lần sửa đổi này sẽ làm rõ thêm bản chất của Đảng: là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động đồng thời là đội tiên phong của dân tộc. Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình, chịu sự giám sát của nhân dân. Do bản chất như vậy nên nhân dân là người quyết định thể chế chính trị này. Điều này được khẳng định rất rõ trong Điều 4.
- Quyền con người, quyền công dân sẽ được thể hiện thế nào, thưa ông?
Ở Hiến pháp hiện hành, quyền con người được hiểu đồng nghĩa với quyền cơ bản của công dân. Nhưng thực tế, không phải mọi quyền con người đều là quyền công dân, quyền con người rộng hơn. Lần này, Hiến pháp sửa đổi thêm nội dung về quyền con người (trước đây không có - PV). Vị trí của chương là chương 2, sau chương nói về chế độ chính trị, tức là rất quan trọng. Quyền và trách nhiệm của công dân cũng được thể hiện đầy đủ. Nguyên tắc là những quyền cơ bản của con người là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nhà nước hạn chế một số quyền vì lý do an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia dân tộc, còn lại tạo điều kiện để thực hiện quyền con người, quyền công dân tốt nhất. Như vậy, vai trò của nhân dân trong Hiến pháp sửa đổi được đề cao.
- Về bộ máy nhà nước, Hiến pháp sửa đổi lần này có điều gì mới?
Ngoài thể hiện quyền lực có sự thống nhất, phân công, phối hợp thì có thêm sự kiểm soát quyền lực. Đây là điểm mới. Muốn kiểm soát được quyền lực, trước hết phải có sự phân công rạch ròi giữa các cơ quan trong hệ thống tư pháp, hành pháp, lập pháp (quan hệ ngang); có sự phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng từ trung ương xuống địa phương (quan hệ dọc).
Đối với Chủ tịch nước, là một thiết chế đứng đầu về đối nội, đối ngoại, được giao những thẩm quyền của cả 3 nhánh quyền lực, tức là Chủ tịch nước có một số quyền tư pháp, lập pháp, hành pháp. Lần này Hiến pháp quy định rõ hơn nội hàm từng nhiệm vụ của Chủ tịch nước, như chức năng thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh (có thẩm quyền phong hàm cấp tướng từ thiếu tướng trở lên, đô đốc, phó đô đốc hải quân); có quyền yêu cầu Thủ tướng Chính phủ triệu tập hội nghị đặc biệt về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm và trong phạm vi quyền hạn của Chủ tịch nước, như về vấn đề quốc phòng an ninh...
Đối với hành pháp, Chủ tịch nước có quyền kiến nghị lại Ủy ban Thường vụ QH đối với những pháp lệnh, những luật mà QH thông qua nhưng Chủ tịch nước thấy có vấn đề chưa thỏa đáng. Giữa 3 nhánh quyền lực, Chủ tịch nước sẽ có sự kiểm soát lẫn nhau. Đây chính là để các cơ quan quyền lực giám sát lẫn nhau, là điểm mới. Ngay QH cũng kiểm soát Chủ tịch nước bằng việc Chủ tịch nước phải báo cáo hàng năm về công tác; còn trước đây chỉ báo cáo vào cuối nhiệm kỳ.
- Hiến pháp sửa đổi làm rõ việc thống nhất, phân công, phối hợp, giám sát quyền lực. Với tinh thần đó thì có chống được quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, tha hóa của người cầm quyền hay không?
Đây là một bước tiến mới. Chính việc phân công rõ ràng giữa các cơ quan quyền lực nhà nước là để thực hiện tốt việc kiểm soát từ bên trong lẫn giám sát từ bên ngoài (giám sát của dân). Khi các bên kiểm soát lẫn nhau, công khai minh bạch thì chắc chắn hạn chế được tham nhũng. Ví dụ như trong thực hiện quản lý về đất đai, quy hoạch... nhờ có sự kiểm soát quyền lực lẫn nhau, nguy cơ tiêu cực sẽ ít đi. Hay việc Chủ tịch nước có quyền bãi bỏ văn bản của Thủ tướng chẳng hạn... cũng là cách để kiểm soát quyền lực lẫn nhau.
- Xin cảm ơn ông!
Phan Thảo