(SGGP).-Vừa qua tại TPHCM, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức buổi họp góp ý cho dự án Luật kinh doanh Bất động sản (BĐS) sửa đổi. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, sau hơn 7 năm triển khai thi hành, Luật Kinh doanh BĐS đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới. Luật hiện hành chưa đủ chế tài để tạo lập một thị trường BĐS phát triển ổn định lành mạnh nên tình trạng đầu tư tự phát, theo phong trào, theo “đám đông” diễn ra phổ biến.
Để góp phần phát triển thị trường BĐS minh bạch, lành mạnh, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải quy định tăng mức vốn pháp định cho các tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh BĐS lên 50 tỷ đồng. Bởi lẽ, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều DN tham gia kinh doanh BĐS có vốn rất thấp nên chỉ “tay không bắt giặt”, chủ yếu là kêu gọi góp vốn xây dựng dự án nên khi ngân hàng xiết lại không cho vay thì các DN này lao đao, gây ra nhiều hậu quả.
TS Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM nhấn mạnh, bên cạnh việc sửa Luật Kinh doanh BĐS để phát triển và lành mạnh hóa thị trường thì cần phải lưu ý đến việc điều chỉnh sao cho đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Kinh doanh BĐS với các luật liên quan như: Luật Nhà ở, Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai…
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng tình và cho rằng, thị trường BĐS rất nhạy cảm và tác động mạnh đến các thị trường khác cũng như tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội. Chính vì thế cần phải rà soát tổng thể các quy định để Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi đảm bảo được quyền lợi, nghĩa vụ của các bên một cách công bằng; đồng thời phải thống nhất với các luật liên quan.
MINH HUY