Sức bật mới từ Khu đô thị sáng tạo

Gần đây, cụm từ “Khu đô thị sáng tạo” của TPHCM đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, khu đô thị sáng tạo (ĐTST) này được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới của TPHCM trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phủ sóng toàn cầu.
Khu dân cư quận 2 bên xa lộ Hà Nội, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên Ảnh: CAO THĂNG
Khu dân cư quận 2 bên xa lộ Hà Nội, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên Ảnh: CAO THĂNG
Một khu Đông dang dở

Theo thông tin tìm hiểu của chúng tôi, Khu ĐTST nằm toàn bộ trên địa bàn huyện Thủ Đức cũ, tức quận 2, 9 và Thủ Đức hiện nay. Xuất phát từ việc trước đây Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khi đó đã đi khảo sát các dự án trọng điểm ở các quận 2, 9 và Thủ Đức, nhận thấy thực trạng quá lộn xộn. Bức tranh khu Đông bộn bề, dang dở khi thường xuyên ùn tắc giao thông, đường sá làm chưa xong hoặc không kết nối với nhau; hạ tầng xã hội - kỹ thuật không đồng bộ, như một số khu vực xây trường học mà không có học trò tới học, dự án bán nhà hết rồi nhưng dân không đến ở, nhiều dự án nhà ở xây dựng xong nhưng còn hoang sơ… “Nhận thấy thực tế quá bất cập so với tiềm năng của khu Đông, trong một cuộc họp tổ chức tại quận 2, đồng chí Lê Hoàng Quân quyết định thành lập “Tổ công tác quy hoạch phát triển đô thị hướng Đông TP” và giao tôi làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ là rà soát lại các dự án đầu tư, tình hình thực hiện của từng dự án, kể cả hạ tầng kỹ thuật và các dự án hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, dịch vụ thương mại. Nói chung là nắm lại hết các dự án đầu tư, khảo sát, tổng hợp để có được bức tranh tổng thể. Sau khi tổng hợp thì đánh giá từng việc một, thừa hoặc thiếu hoặc việc nào không cần… để sắp xếp lại. Nhiệm vụ kế tiếp là định hướng để điều chỉnh quy hoạch, cần chính sách thế nào để tổ chức thực hiện, rồi dựa trên chính sách này để mời gọi đầu tư. Tổ này lấy hạt nhân là Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao và Đại học Quốc gia sẽ gắn kết lại”, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, cho biết. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Toàn, mới đây đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã bổ sung thêm thành khu đô thị sáng tạo. Còn khái niệm “ĐTST” như thế nào thì TP đang học hỏi một số nước trên thế giới, gần nhất là có đoàn qua Nhật Bản học tập tại thành phố khoa học Tsukuba. 

Mô hình sơ bộ là xuất phát từ khu Đại học Quốc gia TPHCM với 12 trường và có 70.000 sinh viên đang theo học; đào tạo xong sẽ nghiên cứu tại trường và ứng dụng tại Khu Công nghệ cao, với nguồn kinh phí cung cấp từ Trung tâm Tài chính Thủ Thiêm. Như vậy, cả 3 trụ cột phải tích hợp với nhau, trở thành xung lực phát triển mới của TP, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Chính sách hướng Đông

Đến nay, Tổ công tác quy hoạch phát triển đô thị hướng Đông TP đã hoạt động được 2 năm, khảo sát được 90% khối lượng công việc. Dự kiến, đầu tháng 4-2018 sẽ có báo cáo sơ bộ, để sang tháng 5 tổ chức hội thảo quốc tế, lấy ý kiến các chuyên gia và sau cùng tổng hợp, đề xuất phương án thực hiện. Khu ĐTST nằm trong kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chung của TP mà Sở Quy hoạch và Kiến trúc đang triển khai, nhưng trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch chung không kịp thì sẽ tách ra, điều chỉnh cục bộ riêng cho Khu ĐTST.

Đây là mục tiêu của TPHCM phát triển hướng Đông và là hướng phát triển chính của TP trong những năm tới vì thừa hưởng hệ thống giao thông gắn kết phát triển vùng là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Tác động của Khu ĐTST đối với khu vực này khá lớn, cho dù quỹ đất hiện nay không còn nhưng TP sẽ điều chỉnh để tăng hiệu quả sử dụng đất; ứng dụng kết quả giáo dục đào tạo vào công nghệ cao, rồi phát huy trung tâm tài chính Thủ Thiêm; hàng loạt kế hoạch tiếp tục nghiên cứu như điều chỉnh quy hoạch, lộ trình triển khai...

Theo nhận định ban đầu của Tổ công tác quy hoạch phát triển đô thị hướng Đông TP, dự án đầu tư ở khu Đông nhiều nhưng để trở thành khu đô thị, khu dân cư như quy hoạch thì chưa thành. Giá trị đất ở khu vực này cao hơn nhiều khu vực khác thuộc địa bàn TP, dự án nhà ở rất nhiều, hình thành cũng có, chưa hình thành cũng có nhưng lượng cư dân ở chính thức chưa nhiều; trong khi người có thu nhập trung bình và thấp khó có điều kiện tụ về. Người mua nhà chủ yếu trung lưu trở lên để đầu tư, đầu cơ. Hơn nữa, hạ tầng giao thông khu vực còn phức tạp khi khu vực cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội và đường Mai Chí Thọ thường ùn tắc giao thông. Nhiều hạng mục hạ tầng còn dang dở như đường Vành đai 2 làm chưa xong, đường Vành đai 3 và một số nút giao thông chưa triển khai, hạ tầng xã hội cũng còn dang dở. “Theo tôi, để khu Đông thành hình hài và xứng tầm, cần phải xem xét lại hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, để từ đó lựa ra dự án nào ưu tiên phát triển để làm theo thứ tự và có chính sách mời gọi đầu tư, chứ ngân sách chắc chắn không làm nổi”, ông Nguyễn Thanh Toàn nhận xét.

Tin cùng chuyên mục