Thị trường chứng khoán đã có một giai đoạn tăng trưởng ấn tượng với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu tài chính. Hiện tại, giới đầu tư đang kỳ vọng các chính sách vĩ mô sẽ tạo ra một cú hích mới cho thị trường.
Tăng mạnh khối lượng, thị giá
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9-4, VN-Index ở mức 450,73 điểm, tăng 28,21% so với đầu năm, tổng khối lượng giao dịch đạt 66.301.117 cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt 910 tỷ đồng. Cùng với sự tăng mạnh của điểm số, thanh khoản của thị trường cũng tăng rất mạnh. Tính trung bình trong quý 1 trên HSX đã có 51 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên, cao gấp đôi so với trung bình năm 2011. Tương tự trên HNX, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên là 58,41 triệu cổ phiếu, cũng tăng gấp đôi so với năm 2011.
Thống kê trong khoảng thời gian này cho thấy có đến 562 cổ phiếu tăng giá, tương đương 80% cổ phiếu đang niêm yết. Điểm đáng chú ý là những cổ phiếu thuộc nhóm ngành tài chính đã có sự phục hồi hết sức ấn tượng và là nhóm tăng mạnh nhất trên thị trường kể từ đầu năm đến nay. Theo tính toán, trung bình giá cổ phiếu công ty chứng khoán tăng 64,60%, bảo hiểm tăng 57% và ngân hàng tăng 42,4%.
Năm 2011 là năm khó khăn đối với các công ty chứng khoán. Hơn 70% công ty chứng khoán thua lỗ với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trung bình năm 2011, cổ phiếu chứng khoán giảm 70,42%, cao hơn nhiều so với trung bình của thị trường. Sự bật dậy mạnh mẽ của cổ phiếu chứng khoán do giới đầu tư kỳ vọng lợi nhuận của công ty chứng khoán sẽ tăng đột biến khi thị trường phục hồi. Một loạt cổ phiếu chứng khoán khác như APS, AGR, WSS, SHS, SBS, PSI, AGR, TAS... cũng tăng hơn 100% trong quý 1-2012. Đối với ngân hàng, mặc dù rủi ro nợ xấu vẫn còn khá lớn nhưng nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào đề án tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cứu các ngân hàng vượt khó. Bên cạnh đó, làn sóng sáp nhập các ngân hàng cũng làm cho giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh.
Kỳ vọng chính sách
Một dấu ấn đáng ghi nhận khác trong quý 1 là việc khối ngoại đã quay lại mua ròng khá mạnh. Tính từ đầu năm đến ngày 6-4, khối ngoại đã mua ròng 527 tỷ đồng trên HSX và 522 tỷ đồng trên HNX. Cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là MBB với giá trị 511 tỷ đồng, tiếp theo là VCB với giá trị 412 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng STB 1.804 tỷ đồng và VIC 563 tỷ đồng. Như vậy, nếu không tính việc bán ròng STB khối ngoại mua ròng tới 2.331 tỷ đồng trên HSX. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đã chiếm tới 12,89% toàn bộ thị trường, cao hơn nhiều so với mức 7% của năm 2011. Việc khối ngoại mua ròng mạnh trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp thị trường phục hồi.
Thị trường tăng mạnh trong quý 1-2012 làm bất ngờ không ít nhà đầu tư. Thực tế, kinh tế vĩ mô quý 1 gặp không ít khó khăn và lợi nhuận của phần lớn doanh nghiệp đều giảm mạnh, đặc biệt là đối với công ty chứng khoán và bất động sản. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng đối mặt với rủi ro nợ xấu và quá trình tái cấu trúc. Một thông tin không thuận lợi khác là chính sách tiền tệ vẫn thắt chặt và giá điện, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế quý 1 cũng chỉ tăng được 4%, mức thấp nhất từ quý 2-2009 đến nay.
Tuy nhiên, giao dịch của thị trường thường phụ thuộc vào kỳ vọng tương lai hơn là tình hình thực tại. Do vậy, dường như thị trường khởi sắc có thể là do giới đầu tư đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế. Tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,55% so với đầu năm, một mức khá thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước đó. Cũng trong quý 1, tình hình tỷ giá khá ổn định, thậm chí NHNN đã tăng đáng kể dự trữ ngoại hối.
Một thông tin tích cực khác đối với thị trường chứng khoán là vào đầu tháng 3, Thủ tướng ký 2 văn bản hỗ trợ gồm Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc thúc đẩy hoạt động, tăng cường quản lý thị trường chứng khoán và Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán năm 2012 - 2020 với các nội dung quan trọng như tái cấu trúc công ty chứng khoán và sáp nhập 2 sở giao dịch. Giới đầu tư kỳ vọng những chính sách này sẽ làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển một tầm cao mới. Không những vậy, thị trường chứng khoán còn nhận được khá nhiều thông tin tích cực về chính sách.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN đã giảm hệ số rủi ro với các khoản cho vay bất động sản và chứng khoán hạ từ 250% xuống 150%, đồng thời nâng tỷ lệ cho vay/huy động của tổ chức tín dụng và công ty tài chính lên lần lượt là 95% và 100%. Bên cạnh đó, NHNN cũng cho biết đang xem xét giảm trần lãi suất huy động về 12% trong thời gian tới. Các chính sách này sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
|
PHÚ THUẬN