Sức hút của điện ảnh Đông Nam Á với Netflix

Hệ thống phát hành phim trực tuyến Netflix đang hy vọng những câu chuyện hấp dẫn của điện ảnh Đông Nam Á sẽ mang về cho họ doanh thu lớn.
Poster phim The Ghost Bride
Poster phim The Ghost Bride

Sắp tới đây, Netflix ra mắt 2 series phim đầu tiên của điện ảnh Đông Nam Á là câu chuyện thuộc loại “liêu trai chí dị” của Malaysia dựa trên cuốn sách bán chạy nhất của báo New York Times và một câu chuyện về các sinh viên Thái Lan bị mắc kẹt sau thảm họa sóng thần. The Ghost Bride (Malaysia) và The Stranded (Thái Lan) hiện đang được sản xuất và sẽ tạo ra một bước tiến mới cho Netflix. Theo ông  Erika North, Giám đốc chương trình quốc tế của Netflix, nói trên tờ Hollywoodreporter, Netflix đang quan tâm một cách toàn diện đến điện ảnh Đông Nam Á. 

The Ghost Bride, bản gốc tiếng Hoa đầu tiên được ghi hình ở Malaysia của 2 đạo diễn người địa phương Quek Shio Chuan và Ho Yuhang. Sau đó, những nhà làm phim này kết nối với Hollywood để làm phim truyền hình với ngôi sao Lâm Lộ Địch. Câu chuyện được lấy từ cuốn sách bán chạy nhất của Yangsze Choo năm 2013, nói về  bí ẩn của một vụ giết người lấy bối cảnh ở Malaysia thế kỷ 19. 

Trong khi đó, phim The Stranded của đạo diễn Sophon Sakdaphisit là bộ truyện đầu tiên của Thái Lan được Netflix phát sóng với cốt truyện tập trung vào một nhóm sinh viên sống sót sau khi sóng thần tàn phá một hòn đảo. Hai loạt phim này sẽ kết hợp 2 loạt phim gốc tiếng Hoa khác là Nowhere Man và Triad Princess, cả hai được sản xuất tại Đài Loan, sẽ là hướng mở rộng của Netflix với các nhà làm phim châu Á. Các sản phẩm sẽ có đồng thời ở tất cả các thị trường Netflix tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, với phụ đề hoặc phiên bản lồng tiếng. 

Theo ông North, trong hơn một năm rưỡi qua, Netflix đã phát hiện một số chương trình tuyệt vời ở thị trường Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung và sẽ lần lượt đưa các tác phẩm này đến với nhiều khán giả hơn. “Chúng tôi thực sự rất hào hứng về hướng đi mới này”, ông nói. Động thái này chứng minh tính kịp thời khi Netflix chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng loạt “người chơi mới” trên thị trường phát trực tuyến gồm: Disney, NBCUniversal và WarnerMedia, vốn đều chuẩn bị ra mắt nền tảng trong 12 tháng tới. Kết quả quý 2-2019 cho thấy, doanh thu toàn cầu của Netflix tăng 26% lên 4,9 tỷ USD, nhưng số người đăng ký mới chỉ đạt 2,7 triệu người, thấp hơn mục tiêu đề ra là 5 triệu người. Netflix hiện có 151 triệu thành viên trả phí trên toàn cầu. 

Điện ảnh Đông Nam Á là nội dung phát sóng mới của Netflix được coi là trễ, vì Netflix xuất hiện tại khu vực này từ năm 2015. Trong khi đó, Netflix không có kế hoạch hạ giá thuê bao ở thị trường Đông Nam Á nhưng với việc phát sóng phim của Đông Nam Á, họ hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều thuê bao ở khu vực này, vì mức lương trung bình hàng tháng ở đây thường bằng 1/4 hoặc ít hơn mức lương của người bình thường ở Mỹ.

Vivek Couto, Giám đốc điều hành phân tích và nghiên cứu của Media Partners Asia, cho biết Netflix có sự tăng trưởng ổn định về thuê bao ở các hộ gia đình có Internet băng thông rộng và khách hàng dùng thiết bị di động trả sau trên khắp Đông Nam Á. Sự linh hoạt về giá thuê bao và hệ thống nội dung phim được địa phương hóa có thể giúp thúc đẩy dịch vụ này thâm nhập sâu hơn vào các thị trường như Malaysia, Philippines và Thái Lan. Nghiên cứu của Media Partners Asia cho thấy, Netflix có hơn 8,5 triệu thuê bao trả tiền trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào cuối năm 2018, với Đông Nam Á chiếm 11%, tương đương khoảng 935.000 người đăng ký. Đến cuối quý 1-2019, con số đó ở Đông Nam Á đã lên tới 1 triệu.

Tin cùng chuyên mục