Nhiều năm qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) luôn được xem là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam. Chính vì vậy, tính thu hút của ngân hàng này với nhà đầu tư là rất lớn.
Ngân hàng lớn với vốn điều lệ hơn 10 ngàn tỷ đồng
Năm 2011 là năm được cho là có quá nhiều khó khăn đối với hệ thống ngân hàng. Mặc dù vậy, trong số các ngân hàng thương mại đang hoạt động, Sacombank vẫn được đánh giá khả quan từ kết quả kinh doanh trong năm qua. Kết thúc năm tài chính 2011, thu nhập thuần của Sacombank đạt 5.842 tỷ đồng, tăng 50% so với thực hiện năm trước. Hoạt động dịch vụ mang về cho Sacombank khoản lãi 1.007 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 2.066 tỷ đồng, tăng 10% so năm trước, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 2.241 đồng. Theo đó, Sacombank đã hoàn thành suất sắc kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm.
Về quy mô, tổng tài sản đến cuối năm 2011 của Sacombank đạt 141.532 tỷ đồng, vốn điều lệ là 10.739 tỷ đồng, đặc biệt nợ có khả năng mất vốn của Sacombank chỉ còn 167,9 tỷ đồng, giảm mạnh 46% so với hồi đầu năm. Sacombank là một trong 12 ngân hàng lớn (G12) chi phối 85% thị trường.
Mới đây, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT của Sacombank còn cho biết: Năm 2012, Sacombank sẽ tăng thêm 17% vốn điều lệ (tức khoảng 1.700 tỷ đồng) để nâng vốn điều lệ lên hơn 11.700 tỷ đồng. Ông Thành cũng cho biết thêm, trong số 400 phòng giao dịch, chi nhánh trên toàn quốc có đến 80% là tài sản của ngân hàng, phù hợp với mục tiêu của các nhà đầu tư dài hạn và chiến lược tích lũy tài sản của Sacombank. Theo kế hoạch, Sacombank sẽ thu về 3.500 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2012.
Với những kết quả đạt được, Sacombank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 ở mức tối đa 17%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất dành cho các ngân hàng thuộc nhóm 1 trong 4 nhóm tổ chức tín dụng được NHNN đánh giá trên cơ sở tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng theo Chỉ thị 01 của NHNN.
Sacombank cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN vừa giao khớp với kế hoạch năm 2012 mà ngân hàng đã xây dựng. Với chỉ tiêu 17% được giao, Sacombank sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh của mình để đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt ưu tiên trong các lĩnh vực cho vay nông nghiệp - nông thôn, cho vay tài trợ xuất nhập khẩu, cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cổ đông Sacombank cần “đồng thuận” vì tương lai
Cho đến thời điểm này, giới tài chính vẫn bàn tán về quyền kiểm soát Sacombank sẽ thuộc về ai, bởi trước đó Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã có công văn gửi Sacombank với đề nghị thay đổi Hội đồng Quản trị cũng như kế hoạch lợi nhuận và một số ý kiến trong kỳ đại hội cổ đông sắp tới. Eximbank là cổ đông lớn của Sacombank với tỷ lệ 9,73% vốn và ngân hàng này còn cho biết họ đang đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ hơn 51% cổ phần có quyền biểu quyết.
Phản hồi trở lại, phía Sacombank cho rằng đến khi nào ngân hàng chưa gửi danh sách chốt cổ đông về Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thì chưa thể khẳng định nhóm cổ đông đó đã chiếm giữ tỷ lệ bao nhiêu tại Sacombank. Trao đổi với báo chí, ông Đặng Văn Thành chia sẻ: “Với tư cách là những người sáng lập Sacombank và gắn bó với ngân hàng 20 năm nay, chúng tôi không thể đồng ý với đề nghị thay đổi toàn bộ bộ máy điều hành một cách đột ngột, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là khi bộ máy chưa hết nhiệm kỳ”. Thực tế, sau 20 năm phát triển, Sacombank đang là một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất nước và hội đồng quản trị của họ gắn liền với cả lịch sử tạo nên Sacombank.
Trước quy luật khắc nghiệt của thương trường, lãnh đạo cao nhất của Sacombank chấp nhận “hoan nghênh và sẵn sàng mở cửa tiếp đón nhà đầu tư mới nếu họ hợp tác, cùng xây dựng, phát triển ngân hàng của Sacombank vẫn còn nguyên giá trị. Tôi khẳng định lần nữa Sacombank luôn mở rộng cửa cho những nhà đầu tư hợp tác, đến với mục đích xây dựng, gắn bó lâu dài với ngân hàng. Khi đại diện của Eximbank sang làm việc với chúng tôi, tôi cũng nêu rõ quan điểm như vậy”. Như vậy, lợi ích của hàng chục ngàn cổ đông, hàng triệu khách hàng cần đặt lên hàng đầu và nhóm cổ đông mới cần sự cẩn trọng, hợp tác với ban lãnh đạo cũ nhiều hơn chỉ trông chờ vào đồng tiền với tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối.
Được biết mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức lên tiếng: “Trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam hiện nay, Sacombank là một trong số các ngân hàng có quy mô tổng tài sản và mạng lưới lớn nhất. Theo số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện Sacombank có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động ổn định, hiệu quả, tuân thủ đầy đủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của NHNN. Triển vọng đối với các xếp hạng của các tổ chức tín nhiệm quốc tế như Moodys và S&P đối với ngân hàng này là ổn định”.
Đến nay, câu chuyện tranh luận của nhà đầu tư về xung quanh sự việc này vẫn chưa ngã ngũ, và câu trả lời vẫn phải chờ đến Đại hội đồng cổ đông của Sacombank vào tháng 4 tới. Nếu việc thay đổi cơ cấu cổ đông mang lại lợi ích cho các bên và đem đến sức mạnh mới cho ngân hàng thì nên xem là bình thường và cần ủng hộ. Vấn đề cuối cùng vẫn là sự hợp tác và cách các bên xử lý sự việc trước khi vấn đề bị đẩy đi quá xa theo hướng không tích cực.
Tường Minh - Cát Trí