Tháng 12-2011, lần đầu tiên TPHCM tổ chức hội nghị ký kết liên tịch giữa các đơn vị Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm triển khai mạng lưới phân phối thực hiện chương trình bình ổn thị trường.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa hàng bình ổn vào các khu dân cư, KCX – KCN. Việc ký kết cũng cho thấy, TPHCM đã và đang thành công trong việc vận động các tổ chức chính trị cùng tham gia vào công tác bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Gần 2 năm qua, các bên đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các phần việc của mình. Thành đoàn và Hội Phụ nữ có trách nhiệm cung cấp thông tin, vận động các thành viên tham gia tích cực vào chương trình phân phối hàng bình ổn. Tiến hành rà soát các mặt bằng kinh doanh tại các chợ truyền thống chưa sử dụng hết công năng để giới thiệu, liên kết với các DN tổ chức kinh doanh hàng bình ổn. Vận động tiểu thương làm đại lý cho DN tham gia bán hàng bình ổn, đồng thời vận động cán bộ, hội viên phụ nữ sử dụng mặt bằng hiện hữu của các cửa hàng kinh doanh tạp hóa của gia đình để tạo mạng lưới phân phối rộng khắp. Phối hợp với Saigon Co.op và Satra tổ chức triển khai thẩm định để công nhận các mặt bằng điểm bán lẻ đạt chuẩn theo quy định và tổ chức xe lưu động phục vụ công nhân tại các KCN, KCX. Saigon Co.op và Satra có trách nhiệm cung cấp hàng hóa và đào tạo nghiệp vụ bán hàng cho các cửa hàng.
Với tiêu chí “Tuổi trẻ TP tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội”, Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM xác định, phấn đấu mỗi quận nội thành có ít nhất 1 cửa hàng, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng các “Cửa hàng thanh niên” tại các KCX – KCN, khu lưu trú, khu nhà trọ, ký túc xá, khu dân cư, các hộ gia đình đoàn thanh niên trên địa bàn TP. Để làm được việc này, Thành đoàn cũng đã lập kế hoạch phân công, phân nhiệm rất rõ cho từng cá nhân, từng tổ chức để bắt tay thực hiện.
Với năng lực, kinh nghiệm của nhà bán lẻ hàng đầu VN, Saigon Co.op đã và đang hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình trong vai trò là nhà tư vấn, đầu tư là làm mới các cửa hàng liên kết. Nhiều chị phụ nữ đã rơm rớm nước mắt kể rằng, gần 30 năm kiếm kế sinh nhai bằng một cửa hàng nhỏ của gia đình, họ luôn mong ước trở thành một cửa hàng thành viên của Co.op. Và nếu không có chủ trương của lãnh đạo TP, không có sự vào cuộc và hỗ trợ mạnh mẽ của các sở, ngành chức năng và các DN thì mãi mãi việc mua bán của họ chỉ dừng ở mức các cửa hàng tạp hóa!
Chị Phạm Kim Thanh, chủ cửa hàng Co.op 89A/4 ấp 1 xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh cho biết, trước khi tham gia trở thành cửa hàng liên kết Co.op, doanh thu bình quân chỉ dừng ở mức 30 triệu đồng nay đã đạt hơn 50 triệu đồng/ngày. Theo các chủ cửa hàng, nguyên nhân chính khiến doanh thu tăng là các cửa hàng đã được Saigon Co.op không chỉ rót hàng xuống đều đặn, mà còn đầu tư và tư vấn về cách bố trí các quầy kệ khoa học, dễ nhìn và đẹp mắt. Đặc biệt là nhóm hàng bình ổn có giá bán rất tốt, hàng hóa lại phong phú đã tạo điều kiện cho người dân trong khu vực có nhiều lựa chọn hơn.
Chưa đầy 2 năm sau ký kết, các bên đã liên kết đầu tư, nâng cấp gần 70 cửa hàng và hơn 600 điểm bán hàng bình ổn đi vào hoạt động. Đây là một con số không nhỏ. Việc triển khai thực hiện ký kết liên tịch giữa các bên về phát triển điểm bán đã mang lại một luồng gió mới trong công tác rà soát, chấn chỉnh và nâng cấp cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP. Đây là cơ sở để TPHCM vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị là nhân rộng các điểm bán, đưa hàng hóa bình ổn phục vụ tận tay người tiêu dùng, nhất là vùng sâu, vùng xa của TP, vừa đồng thời từng bước nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống phân phối, từng bước hướng đến văn minh thương mại. Điều này đồng nghĩa, một chủ trương mới ra đời, kịp thời điểm và hợp lòng dân, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.
THÚY HẢI