Nhờ các chương trình giảm giá lên đến 50% rải đều khắp các ngành hàng kèm theo các chương trình rút thăm, cào, quay số trúng thưởng… nên trong những qua, 3 hệ thống siêu thị lớn là Bic C, CoopMart, Vinatex đã tạo ra những ngày hội mua sắm. Trong khi đó, tận dụng lượng khách đông đảo, nhiều dịch vụ “chặt chém” du khách không thương tiếc.
Siêu thị đắt khách
Hệ thống siêu thị Vinatex (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) liên tục khai trương hàng loạt điểm bán mới tại các KCN có nhiều người lao động. Trong đó, nhiều chương trình khuyến mãi có mức giảm giá sản phẩm lên đến 50%. Trong ngày 30-4, đơn vị này còn tung ra chương trình khuyến mãi “Ngày vàng 20.000 đồng tại Vinatex” với hàng trăm mặt hàng quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm, gia dụng, thực phẩm có giá 20.000 đồng/sản phẩm, nhờ đó đã thu hút khá đông khách hàng. Siêu thị Vinatex Đà Lạt trong 3 ngày liền (28, 29 và 30-4) doanh số đều đạt trên 1 tỷ đồng. Riêng tại khu vực TPHCM của hệ thống này, theo bà Vương Ngọc Thành, Giám đốc Vinatex TPHCM, doanh số chung tăng khoảng 30% đến 40% so với ngày thường.
Tương tự, tại hệ thống siêu thị CoopMart, do có đến 1.500 mặt hàng khuyến mãi giảm giá và tích lũy điểm cho khách hàng thân thiết, khách hàng VIP nên theo Ban Tổng giám đốc Co.opMart, doanh số hệ thống siêu thị này trong 2 ngày cuối tuần vừa qua cũng tăng khoảng 40% so với ngày thường.
Mặc dù mưa liên tục nhưng 800 gian hàng của 250 doanh nghiệp tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Nhà thi đấu Phú Thọ diễn ra trong những ngày qua cũng thu hút rất đông khách đến tham quan mua sắm. Theo thống kê của ban tổ chức, so với cùng kỳ năm ngoái, hội chợ năm nay có lượng khách đến tham quan mua sắm tăng khoảng 1,5 lần. Trong đó có một vài gian hàng do khách hàng mua vượt dự kiến nên hàng chuẩn bị không đủ bán dẫn đến “cháy” hàng vào giờ chót như gian hàng của cơ sở sản xuất đường thốt nốt Thảo Hương (Châu Đốc - An Giang).
Do khách hàng phần lớn đều dồn vào siêu thị, trung tâm thương mại tránh nóng, tránh mưa và “săn” hàng khuyến mãi cũng như đi chơi xa nhiều nên tại các chợ truyền thống ở TPHCM, theo phản ánh của các tiểu thương, trong những ngày qua, sức mua ảm đạm hơn so với bình thường. Nhiều gian hàng giày dép, quần áo ở chợ Bến Thành (quận 1), Bàn Cờ (quận 3), An Đông (quận 5) doanh số giảm khoảng 20%-30%. Tương tự, do sức mua thấp nên các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả cũng không có hiện tượng tăng giá “cục bộ” như mọi năm: Giá mực vẫn ở mức 130.000 đồng/kg, cá diêu hồng 55.000 đồng/kg, cá lóc đồng 80.0000 đồng đến 100.000 đồng/kg, thịt ba rọi 90.000 đồng đến 100.000 đồng/kg, thịt bò 220.000 đồng đến 230.000 đồng/kg… bằng với ngày thường.
Thả nổi giá phòng, dịch vụ ăn uống
Khác với giá hàng hóa, giá hầu hết các dịch vụ khác đều tăng mạnh, nhất là giá dịch vụ ăn uống và giá thuê phòng khách sạn. Như các ngày lễ lớn khác, tại Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng giá thuê phòng biến động rất thất thường. Nhiều khách sạn sử dụng “chiêu” thả nổi giá thuê phòng theo ngày. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, ngụ tại quận Gò Vấp cho biết: “Cuối tuần qua tôi ra Nha Trang, ở Khách sạn Q.G với giá 800.000 đồng/ngày, ngày sau họ tăng lên 1,5 triệu đồng/ngày và bảo nếu tôi đồng ý thì ở tiếp không thì cứ trả phòng cho họ!”.
Ngày 30-4, nhiều điểm du lịch sinh thái ở các tỉnh thành ĐBSCL thu hút rất đông khách đến tham quan, vui chơi. Tại Tiền Giang, thời tiết mát mẻ nên hàng chục điểm du lịch sinh thái ở cù lao Thới Sơn chật kín người. Trong khi đó, tại Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ… hàng ngàn người kéo nhau vui chơi ở các điểm du lịch sinh thái vào dịp lễ. Ông Đỗ Thanh Trang, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Cà Mau, cho biết: Trong 3 ngày qua, trên 10.000 lượt khách từ khắp nơi tụ hội về các điểm du lịch ở Cà Mau tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng. Tập trung nhiều nhất là khu du lịch Hòn Đá Bạc, khu Đất Mũi, Lâm ngư trường 184, công viên văn hóa Cà Mau…
Theo Sở VH-TT-DL Bình Thuận, trong dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, Bình Thuận đón khoảng 148.300 du khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế khoảng 13.000, đông nhất là khách Nga, Đức, Thụy Điển, Áo, Australia, Mỹ. Nhìn chung, giá phòng và dịch vụ tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né chỉ tăng khoảng 8%, bởi phần lớn được khách hàng đặt từ đầu năm. Mặt khác, do ngành du lịch phối hợp tốt với các doanh nghiệp chủ động giữ giá dịch vụ, nên không có biến động trong những ngày lễ và mùa du lịch hè.
Nhiều ngày qua, tại Đà Lạt có mưa lớn vào buổi chiều nên lượng du khách và người dân đến tham quan các điểm du lịch giảm mạnh so với lễ 30-4 và 1-5 năm ngoái. Đại diện lãnh đạo hai khu du lịch Thung lũng Tình yêu và Đồi Mộng Mơ cho biết bình quân mỗi ngày đón khoảng 5.000 khách tham quan, giảm 20% so năm ngoái. Tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường chính, nhất là trước cổng Vườn hoa Đà Lạt cũng không xảy ra. Theo thống kê, trong 2 ngày 29 và 30-4, có 52.000 lượt khách đăng ký lưu trú tại Đà Lạt. Nhiều khách sạn tăng giá đến 300%, trong khi ngành chức năng chỉ cho phép tăng tối đa 30% so ngày thường.
Mặc dù được nghỉ dài ngày trong dịp lễ 30-4, 1-5 cộng thời tiết nắng nóng nhưng năm nay du khách đổ về TP Vũng Tàu tắm biển, nghỉ dưỡng không đông như mọi năm. Trong buổi sáng ngày 30-4, lượng khách đã đổ về các bãi tắm của TP Vũng Tàu đông hơn hẳn nhưng theo quan sát, lượng khách vẫn ít hơn những ngày lễ trước. Tuy khách không đông nhưng các khách sạn, nhà nghỉ tại Vũng Tàu vẫn đông nghẹt người thuê vì không đáp ứng đủ chỗ nghỉ. Do vậy các nhà nghỉ, nhà trọ đã tăng giá cho thuê phòng lên gấp đôi, gấp ba ngày thường.
| |
Nhóm PV