Theo lẽ thường, khi trưởng thành, những người con đền ơn dưỡng dục, sinh thành, báo hiếu cha mẹ. Nhưng giờ đây, khủng hoảng kinh tế tại châu Âu đang làm đảo lộn truyền thống lâu đời đó. Bà N.Isabel, 51 tuổi, sống chung với cậu con trai 29 tuổi trước làm thợ nề nhưng nay thất nghiệp tại Denia, tỉnh Alicante (Đông Tây Ban Nha). Bản thân bà N.Isabel cũng bị mất việc từ năm 2009, song nhờ vào khoản tiền trợ cấp và tài xoay xở, bà đã giữ được chỗ ở bằng cách thương lượng lại tín dụng bất động sản và giảm được tiền trả nợ tín dụng hàng tháng từ 500 EUR xuống còn 250 EUR. Tuy nhiên, công ty tài chính giờ đây chỉ chấp nhận thương lượng lại nợ, không chấp nhận xóa nợ và căn hộ của bà rốt cục bị tịch thu. Người con trai của bà N.Isabel cuối cùng phải rời nhà đi tìm việc làm ở nước khác, còn bản thân bà phải quay về sống chung với người mẹ 80 tuổi tại Madrid.
Có thực tế đang xảy ra tại rất nhiều quốc gia khi tình hình kinh tế khó khăn như Tây Ban Nha hiện nay. Những người hưu trí với lương hưu của mình đã trở thành tấm lá chắn trước làn sóng khủng hoảng bởi họ còn có khả năng duy trì cuộc sống hàng ngày. Theo thống kê mới nhất về chỉ số sức mua, trong 5 năm qua kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xuất hiện, những hộ gia đình ở Tây Ban Nha có chỉ số sức mua cao là những gia đình có chủ hộ đã nghỉ hưu. Năm 2006, những hộ gia đình có lực lượng lao động chính từ 16 - 29 tuổi tiêu trung bình khoảng 11.814 EUR/người/năm. Năm 2011, những hộ gia đình trên giảm chi tiêu xuống còn 10.345 EUR, trong khi những gia đình có người về hưu lại chi từ 10.157 EUR đến 12.093 EUR. Ở nhiều gia đình, lương hưu một người đủ nuôi sống 3 thế hệ.
Khi mới xảy ra khủng hoảng, chỉ có giới trẻ trong độ tuổi 30 thất nghiệp phải quay về sống chung với bố mẹ. Nay cả những người lao động ở độ tuổi 40 cũng bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty cắt giảm lao động, thất nghiệp tràn lan thì những người nghỉ hưu trở thành tầng lớp có mức thu nhập ổn định nhất. Theo nghiên cứu “Khủng hoảng và rạn nứt xã hội” do Quỹ La Caixa công bố hồi tháng 11 vừa qua, số hộ gia đình Tây Ban Nha trong đó tất cả các thành viên trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp trong năm 2010 đã về sống chung với một người về hưu trên 65 tuổi chiếm đến 7,8%. Tỷ lệ này đã tăng lên nhiều so với năm 2007 (3,7%) và cao hơn so với các nước như Anh, Pháp hay Đan Mạch. Nghiên cứu trên kết luận rằng “trong tình hình khủng hoảng, lương hưu đã trở thành nguồn thu nhập ổn định hơn lương làm việc”.
Khủng hoảng kinh tế đã giúp các gia đình đoàn tụ. Không những con cái về sống chung với cha mẹ, nhiều người già cũng rời các nhà dưỡng lão với chi phí quá tốn kém để trở về với con cái. Xã hội Tây Ban Nha đang quay về với thời kỳ nhiều thế hệ trong gia đình sống chung dưới một mái nhà. Dĩ nhiên, không thể tránh khỏi việc xảy ra mâu thuẫn giữa các thế hệ do quan điểm sống nhưng cũng có người cho rằng đây là mặt tích cực trong thời buổi khó khăn, dịp tốt để con cái và cha mẹ hòa giải những bất đồng, hiểu nhau và gắn bó hơn.
Đỗ Cao