Với khoảng 22.000 người chết mỗi năm, gấp đôi số người chết do tai nạn giao thông, Bộ Y tế cảnh báo bệnh viêm gan đang là một thách thức lớn cho cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, đáng quan ngại vì đây là căn bệnh dễ mắc nhưng chữa tốn kém, nhất là đối với các trường hợp suy gan giai đoạn cuối, nếu không được ghép gan thay thế.
Khi gan... ngắc ngoải
Nhập Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TPHCM) từ hơn 2 tuần nay, bệnh nhân Nguyễn Thị H. (ngụ Bến Tre) không khỏi lo lắng vì được bác sĩ chẩn đoán suy gan giai đoạn cuối. Khởi phát do đau bụng dữ dội, đi tiêu liên tục, chị H. được người nhà đưa vào khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương trong tình trạng mất nước, bụng trướng, đau quanh vùng bụng và khó thở. Theo bác sĩ điều trị, qua thăm khám và xét nghiệm lâm sàng cho thấy, bệnh nhân H. bị nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng đường tiểu và phác đồ điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh tình không thuyên giảm, bụng ngày càng trướng to và phù nề ở chân. Do đó đã tiến hành xét nghiệm lâm sàng kỹ hơn và phát hiện bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối. “Với suy gan, phác đồ điều trị là duy trì và chỉ có thể ghép gan mới hồi phục chức năng gan được”, vị bác sĩ điều trị cho bệnh nhân H. cho biết…
| |
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, thỉnh thoảng vẫn cấp cứu và điều trị những trường hợp suy gan, xơ gan hoặc ung thư gan. Tuy nhiên, hầu hết những trường hợp khi phát hiện ra bệnh thì đã muộn. Trong khi đó, tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, không ít bệnh nhân đến thăm khám và phát hiện mắc viêm gan khi ở giai đoạn quá muộn, đã chuyển sang xơ gan hoặc ung thư gan giai đoạn cuối. Theo thống kê của bệnh viện, trung bình khoảng 20.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính mỗi tháng, trong đó gần 20% trường hợp nhập viện vì bệnh đã diễn tiến đến giai đoạn xơ gan nặng. Theo bác sĩ phụ trách khoa khám gan của bệnh viện, riêng viêm gan C có tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng vào khoảng 4% - 5%. Nhưng nghiêm trọng hơn khi mắc viêm gan có thể làm bệnh kéo dài trong nhiều năm, dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM chia sẻ, viêm gan siêu vi là một trong những hiểm họa sức khỏe trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, chi phí điều trị viêm gan C rất lớn. Nghiên cứu của phòng khám viêm gan BV Chợ Rẫy TPHCM trên tất cả bệnh nhân nhiễm virus viêm gan điều trị nội và ngoại trú cho thấy, tỷ lệ ung thư gan do siêu vi C cao hơn và nhanh hơn so với siêu vi B. Trong khi đó, hiện chưa có thuốc ngừa viêm gan siêu vi C. Năm 2013, phòng khám viêm gan BV Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 3.000 bệnh nhân mắc viêm gan C đến khám (chiếm 20% trên tổng số các bệnh nhân đến khám vì các bệnh viêm gan).
Tại BV Đại học Y Dược TPHCM, BV Nhân dân 115 và Trung tâm Y khoa Medic… mỗi ngày cũng có hàng trăm bệnh nhân được phát hiện nhiễm virus viêm gan C mới.
Theo GS-BS Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch Hội gan - mật - tụy TPHCM, viêm gan siêu vi C là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Tuy nhiên, do người nhiễm viêm gan C không tìm thấy nguy cơ cũng như không biết thông tin về đường lây nên chủ quan và tìm đến sự can thiệp của y học khi đã chuyển sang giai đoạn mạn tính hoặc xơ gan.
Dễ mắc
Theo TS-BS Phạm Hữu Thiện Chí, Phó khoa Ngoại gan - mật - tụy Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, bệnh gan có nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, viêm gan cấp có thể diễn tiến rất nhanh, dẫn đến viêm gan tối cấp, suy gan cấp và tử vong. Bệnh này có nguyên nhân từ thuốc, siêu vi hoặc do một số bệnh lý ít gặp hơn như viêm gan tự miễn... Viêm gan cấp tính còn có thể do nhiễm virus viêm gan B, virus viêm gan C. Tuy nhiên, theo các chuyên gia gan mật, nguyên nhân của bệnh gan mãn tính thường gặp do nhiễm virus viêm gan B, virus viêm gan C, viêm gan ứ mật nguyên phát, viêm đường mật xơ hóa nguyên phát, bệnh lý ứ sắt trong gan, bệnh lý hẹp đường mật.
Theo TS-BS Chí, hầu hết bệnh nhân viêm gan mãn tính ở giai đoạn đầu không có triệu chứng, nhưng khi xuất hiện những triệu chứng như bụng có nước, vàng da, vàng mắt... thì đã tiến triển vào giai đoạn nặng. Theo các chuyên gia gan - mật, một bệnh gan mãn tính khác cũng thường gặp là xơ gan do rượu, bia. Điều này đã được y học khuyến cáo từ lâu nhưng xem ra tình trạng nghiện rượu, bia đang khiến xu hướng bệnh nhân bị xơ gan ngày càng tăng… Trong khi điều trị bệnh viêm gan khá tốn kém và nhiều trường hợp đã chuyển sang xơ gan, ung thư gan thì khó điều trị.
Theo TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, hiện phác đồ chuẩn mà bệnh viện đưa ra có chi phí điều trị cho bệnh nhân trung bình 120 triệu đồng/đợt điều trị 48 tuần. Còn nếu bệnh nhân chuyển sang xơ gan, ung thư gan giai đoạn cuối thì ghép gan là giải pháp cuối cùng do không còn đáp ứng với điều trị bằng thuốc. PGS-TS Nguyễn Tấn Cường, nguyên Trưởng khoa Ngoại gan - mật - tụy BV Chợ Rẫy, cho biết, ghép gan là một trong những kỹ thuật khó nhất về ghép tạng. Hiện nay, nhu cầu cần ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung rất lớn, tuy nhiên việc tìm được nguồn tạng phù hợp rất khó khăn. Theo ghi nhận của Khoa Ngoại gan - mật - tụy Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm nơi đây có khoảng 1.000 trường hợp cần ghép gan.
Vì vậy, để không phải đi đến giải pháp cuối cùng là ghép gan, theo các chuyên gia nên chủ động phòng chống các bệnh gan, cần phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh. TS Phạm Hữu Thiện Chí khuyến cáo virus viêm gan B và C đều có thể lây qua đường máu, đường tình dục, lây từ mẹ sang con hoặc qua đường tiêm chích. Do đó, cần ý thức được các đường lây truyền để có cách phòng tránh hiệu quả. Ngoài ra, cần hạn chế uống rượu bia, không dùng những loại thuốc có hại cho gan. Với những người đã mắc bệnh gan mãn tính, tuyệt đối không được uống rượu, bia và cần ăn chế độ ăn ít muối.
TƯỜNG LÂM