
Cuộc suy thoái kinh tế đang lan rộng khắp nhiều nước trên thế giới, kéo theo những khó khăn trong cuộc sống của người dân. Và âm nhạc, vốn mang hơi thở cuộc sống, đã không đứng ngoài cuộc.
Đưa đề tài khủng hoảng kinh tế vào ca khúc
Làng âm nhạc quốc tế gần đây đón nhận sự ra đời của nhiều ca khúc đề cập đến các tác động của cuộc suy thoái này cũng như tái hiện những thực tế của cuộc sống đang diễn ra cùng ước mơ và nguyện vọng của người dân. Số lượng các nhạc sĩ, ca sĩ hướng những sáng tác của mình đến đề tài này ngày càng một nhiều hơn, gồm những nhạc sĩ và ca sĩ chuyên nghiệp, không chuyên và cả những nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế như những người thất nghiệp, những nạn nhân của các vụ lừa đảo kinh tế…

Nhóm Radiohead
Ca khúc Bearish của Marcy Shaffer đề cập tới sự kiện Bear Steam - một trong nhiều ngân hàng lớn của Mỹ lâm vào cảnh phá sản ngay khi xuất hiện đã tạo nên một hiện tượng với tốc độ phổ biến nhanh chóng trên nhiều trang web nghe nhạc trực tuyến quốc tế.
Vụ sụp đổ của hai ngân hàng khổng lồ khác của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac cũng được tái hiện trong nhiều sáng tác của các tác giả trẻ. Tiêu biểu là ca khúc Fannie Mae Eat Freddie Mac and Cheese của Talya Lieberman và Pavle Jefferson - hiện đang được yêu thích trên nhiều trang web nghe nhạc trực tuyến của Việt Nam. Và còn nhiều sáng tác khác… album The Recession (Suy thoái) của tác giả Young Jeezy.
Dù đề cập đến các vấn đề của cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng lời ca của những ca khúc này không hề là những lời ca thán, mà phản ánh những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế như nạn thất nghiệp tăng cao, giá cả tăng vọt... với ca từ chừng mực, phần nhạc đệm nhẹ nhàng, mang âm hưởng lạc quan. Dù vậy, vẫn lấy đi không ít nước mắt của người nghe.
Không chỉ nhận được sự chia sẻ từ các fan yêu nhạc, việc sáng tác những ca khúc này còn giúp sự nghiệp của những tác giả trẻ bước sang một trang khác. The Recession từng giữ vị trí số 1 bản xếp hạng Billboard và giúp Young Jeezy – vốn là một nhân viên bình thường – tiến bước nhanh trên con đường âm nhạc.
Thời của nhạc miễn phí
Tặng miễn phí âm nhạc qua các trang web chia sẻ âm nhạc trực tuyến (www.myspace.com, www.youtube.com....), đang trở thành một xu hướng quan trọng trong chiến dịch quảng bá âm nhạc của các tên tuổi lớn. Các trang web này đã và đang là bệ phóng cho nhiều ca sĩ trẻ trên con đường khởi nghiệp cũng như góp phần quảng bá tên tuổi cho các ca sĩ đã thành danh. Đây được xem là một công cụ hữu hiệu để liên kết trực tiếp giữa ca sĩ với người hâm mộ, giúp các ca sĩ tiết kiệm được chi phí trong chiến dịch quảng bá sản phẩm âm nhạc mới trong thời kỳ kinh tế đầy khó khăn như hiện nay.
Nhóm Radiohead (www.radiohead.com/) đã đi tiên phong khi phát hành album In rainbows trên mạng, với phương thức trả tiền tùy hỉ, cho phép người mua được download và sao chép thoải mái. Với kiểu phát hành này, không cần đến việc trợ giúp phát hành của các công ty băng, đĩa nhạc, In rainbows đã dẫn đầu bảng xếp hạng album Mỹ. Trong tuần lễ đầu tiên, album này đã bán ra được 122.000 bản qua mạng. Nhóm Radiohead đã chứng minh năng lực của mô hình kinh doanh trực tiếp mới trong ngành công nghiệp âm nhạc.
Nhóm nhạc Coldplay đến từ Anh Quốc cũng đã tặng miễn phí ca khúc Violet hill cho các khán giả yêu âm nhạc qua trang web của nhóm (www.coldplay.com/). Và danh sách các ca sĩ đi theo xu hướng này đang được nối dài với các tên tuổi như: The Eagles, Prince, Madonna…
Dù rằng tình trạng sao chép lậu rất phổ biến nhưng phản ứng đầu tiên của đa số người nghe là sẽ trả tiền, dĩ nhiên là rẻ hơn số tiền họ phải trả cho một đĩa nhạc mua ở cửa hàng. Việc tặng không các sản phẩm âm nhạc mới như thế khiến các ca sĩ không kiếm được những nguồn lợi lớn từ việc bán băng đĩa nhạc như trước, nhưng cũng không vì thế mà họ bị thiệt hại. Họ sẽ có được nhiều hơn với những nguồn doanh thu khổng lồ từ các chuyến lưu diễn và các cơ hội kinh doanh lệ thuộc khác. Khai thác được yếu tố thuận lợi nhất trong thời điểm đầy khó khăn, đó là mấu chốt thành công của ban nhạc và ca sĩ ở thời điểm hiện nay!.
Khang Di
(SGGP 12G)