Tại cuộc họp cấp ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 18-2 tại Brussels (Bỉ), 27 nước thành viên đã không đưa ra được bất cứ giải pháp chính trị nào cho vấn đề Syria. Thay vào đó, các Ngoại trưởng EU đã nhất trí tiếp tục áp dụng lệnh trừng phạt Damascus, đồng thời chấp nhận điều chỉnh lệnh cấm vận vũ khí của EU, cho phép phe nổi dậy nhận được sự trợ giúp về trang thiết bị không gây sát thương cũng như các trợ giúp về kỹ thuật tự vệ dân sự.
Cụ thể, theo quyết định này, lực lượng nổi dậy Syria có thể nhận được các trợ giúp về trang thiết bị như áo giáp chống đạn, mũ sắt, các phương tiện liên lạc mật mã cũng như các thiết bị ứng dụng tia hồng ngoại… kể từ ngày 28-2. Đó là các thiết bị lực lượng quân sự của Chính phủ Syria không có và được cho là “có thể tạo khác biệt trong một cuộc xung đột tiềm tàng”.
Theo tờ Le Figaro của Pháp, vấn đề nhạy cảm nhất trong chính sách trừng phạt Damascus được EU thông qua đầu năm 2011, lệnh cấm vận vũ khí và khả năng giảm nhẹ lệnh cấm này từ nhiều tháng qua luôn là chủ đề gây tranh cãi giữa 27 nước thành viên. Một số nhà quan sát cho rằng, quyết định của EU về vấn đề Syria tương tự trường hợp của Libya. Khi đó, nhiều nước EU ủng hộ việc bãi bỏ phần nào lệnh cấm vận vũ khí để mở đường viện trợ cho lực lượng nổi dậy tại Libya, góp phần không nhỏ trong việc lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo M.Gaddafi.
Ngoại trưởng Anh William Hague rất hồ hởi với quyết định nêu trên của EU, cho rằng hành động này sẽ tiếp tục mở đường “tiến xa hơn” khi chủ đề này được thảo luận trở lại sau 3 tháng nữa. Là nước lâu nay phản đối việc cung cấp vũ khí sát thương cho lực lượng nổi dậy Syria nhưng Pháp đã cho thấy sự chuyển biến trong lập trường.
Tháng 11-2012, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã lần đầu tiên nêu khả năng bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria để mở đường viện trợ trang thiết bị phòng thủ cho phe nổi dậy “bởi Liên minh các lực lượng đối lập đã yêu cầu chúng ta như vậy”. Tại cuộc họp ngày 18-2, Ngoại trưởng Pháp đánh giá rằng quyết định nêu trên đã được thông qua “chiếu theo đề nghị” của thủ lĩnh Liên minh dân tộc Syria (SNC) Moaz al-Khatib.
Động thái mới của EU đang khiến dư luận quan ngại về một kịch bản tương tự như Libya sẽ xảy ra tại Syria. Chính vì vậy, ngay trong nội bộ của EU có rất nhiều nước không đồng tình với quyết định của EU. Ngoại trưởng Ireland Eamonn Gilmore khẳng định nước này không muốn trang bị các thiết bị quân sự cho phe đối lập Syria, trong khi Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski cảnh báo quyết định của EU có thể “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến tình hình tại Syria càng trở nên rối ren.
Bulgaria, Cyprus, Romania và Tây Ban Nha cho biết họ ưu tiên tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Syria. Quan điểm của các nước như Tây Ban Nha là hoàn toàn hợp lý bởi chuyện của mỗi quốc gia chỉ êm đẹp khi nội bộ quốc gia đó tự tìm được lối thoát. Bài học về Libya vẫn còn đó. Sau khi có sự can thiệp quân sự vào Libya, lật đổ chính quyền của ông M.Gaddafi, Libya hiện vẫn chưa yên ổn.
Đỗ Cao