Đồng USD tăng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu phụ thuộc vào nước ngoài sẽ gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại thị trường, định hướng chiến lược cho thời gian tới.
Đồng USD tăng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu phụ thuộc vào nước ngoài sẽ gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại thị trường, định hướng chiến lược cho thời gian tới.
Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng lợi khi đồng USD tăng giá. Ảnh: CAO THĂNG
Ngành hàng nào gặp khó?
Ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Long Sài Gòn, cho biết, đồng USD tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phụ thuộc vào nước ngoài. Riêng DN xuất khẩu được hưởng lợi, tuy nhiên việc bán hàng sẽ chậm và giảm hơn so với trước đây. Nghĩa là, đồng Eur thấp hơn so với USD khiến giá các mặt hàng nhập vào châu Âu tăng lên, nhưng nếu tăng giá bán lẻ thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn các nhà cung cấp khác có giá rẻ hơn. Do đó, nhà nhập khẩu bán chậm lại hoặc tạm ngưng mua hàng từ Việt Nam, nếu mua họ cũng đòi giảm giá.
Tương tự, nhiều DN dệt may cho biết, do các hợp đồng đã ký trước và đã chốt giá đến hết quý 2 năm nay, nên trong năm 2015 không khó khăn, nhưng lo ngại biến động tỷ giá nếu kéo dài sẽ tác động đến các đơn hàng từ năm 2016 trở đi.
Nỗi lo tỷ giá USD tăng dường như tập trung nhiều hơn ở các DN chuyên nhập khẩu hàng hóa, linh kiện tiêu thụ nội địa. Bà Hồ Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Xuất nhập khẩu Mạnh Giàu, quận Tân Bình (chuyên nhập khẩu các linh kiện điện tử từ Nhật, EU, Mỹ…), cho biết, mấy ngày qua, phải liên tục cập nhật thông tin giá cả từ Mỹ để có kế hoạch điều chỉnh giá chào bán đến khách hàng. Tuy nhiên, lúc này mà tăng giá e rằng khách hàng sẽ chọn nhà cung cấp khác, nên chưa dám điều chỉnh dù tỷ giá USD nếu tiếp tục tăng như hiện nay DN sẽ lỗ.
Chuẩn bị kịch bản đối phó
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Châu, nếu vấn đề tỷ giá trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới, ngoài việc chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ với đối tác nhằm giữ được thị trường cũng như đơn hàng, DN buộc phải tiết giảm và siết chặt mọi chi phí sản xuất để có giá thành tốt nhất mới có khả năng cạnh tranh nổi với các quốc gia có cùng mặt hàng xuất khẩu như chúng ta. Ngoài ra, các DN cần linh hoạt điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu nếu không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào đó. Về nguyên tắc, nếu nhà nhập khẩu thấy thị trường nào có lợi sẽ chuyển đơn hàng về đó, nên việc cạnh tranh giữa các DN không hẳn chỉ phụ thuộc vào tỷ giá, mà còn ở nhiều yếu tố khác, trong đó vấn đề nâng cao năng suất lao động, đảm bảo thời gian giao hàng chuẩn xác dường như quan trọng hơn cả vấn đề tỷ giá.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi các đồng tiền khác mất giá, việc tỷ giá VND/USD vẫn ổn định đã làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các đối thủ. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu phải tự cứu mình trước khi Nhà nước thay đổi chính sách tiền tệ. TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cũng cho rằng các DN cần tập trung tăng năng suất sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường mới.
QUỐC HÙNG
* Ông TRẦN QUỐC MẠNH, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sadaco: Không điều chỉnh giá dồn cục
Theo tôi, đồng USD trong nước tăng giá như hiện nay là điều đương nhiên, bởi chúng ta đã neo giá quá lâu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Giá USD tăng, DN xuất khẩu có lợi, nhưng nhập khẩu thì không.
Câu chuyện đồng USD tăng giá hiện nay chủ yếu tác động vào tâm lý của các DN vì trước tết, thậm chí cả năm 2014, mặt bằng giá cả khá ổn định, nhưng ngay sau tết tình hình khác hẳn: điện tăng, xăng dầu tăng, đồng USD tăng, trước đó là tăng lương… Nói cách khác, việc tăng giá dồn cục “3 trong 1” đang gây áp lực tâm lý rất lớn cho đại bộ phận DN, họ lo ngại sự bất ổn của nền kinh tế nên phải tìm mọi cách để dự phòng. Thực tế này rất không tốt cho kinh tế vĩ mô và càng không tốt trong bối cảnh sức mua trong nước đang quá yếu.
Đối với DN xuất khẩu, từ đầu năm đến nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có yếu tố đồng Eur bị mất giá, hàng hóa không bán được. Đơn cử như tại Sadaco, vừa qua có ký một đơn hàng, nhưng từ khi triển khai đến lúc giao hàng, công ty bị lỗ 600 - 700 triệu đồng từ việc mất giá quá nhanh của đồng Eur.
Năm 2015 là bản lề, năm Việt Nam thực hiện mở cửa sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Hơn lúc nào, các DN đang rất cần sự trợ giúp từ Nhà nước, thông qua việc cung cấp đầy đủ thông tin về xu hướng tiêu dùng, diễn biến của các thị trường, việc thực hiện cam kết đối với các FTA, các dòng thuế nào sẽ giảm và giảm ra sao… Do vậy, đối với những lĩnh vực sản xuất chúng ta phụ thuộc vào nguyên liệu thế giới, buộc phải thích ứng theo giá thế giới, nhưng với những mặt hàng thiết yếu thì việc điều chỉnh giá cần có lộ trình, tránh dồn cục nhằm đảm bảo sự ổn định trong sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Bằng không, DN Việt Nam sẽ rất khó đứng vững trước sân chơi hội nhập!
* Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op: Phải “gồng mình”
Ngay sau Tết Nguyên đán, một số mặt hàng thiết yếu được điều chỉnh tăng giá, cộng với giá đồng USD trong nước liên tục tăng đã tạo sức ép lên giá hàng hóa. Tuy nhiên, do phân phối là khâu cuối cùng trong chuỗi cung ứng nên việc tăng giá bán các mặt hàng luôn có độ trễ nhất định trong khoảng 2 - 3 tháng tùy nhóm hàng.
Riêng tại Saigon Co.op, hiện cũng đã có các nhà cung cấp yêu cầu điều chỉnh giá nhưng do sức mua quá yếu nên cả hai bên đang bàn bạc, có sự thống nhất là cùng “gồng mình” chịu đựng để giữ giá, đảm bảo sức mua. Qua theo dõi, sức mua trong quý 1-2015 đối với nhóm các mặt hàng không thiết yếu (hàng phi thực phẩm như hàng may mặc, dụng cụ gia đình…) giảm so với cùng kỳ, ngược lại với các mặt hàng thiết yếu vẫn tăng trưởng khá tốt. Điều này cho thấy, người tiêu dùng vẫn tiếp tục “thắt lưng, buộc bụng”, có sự tính toán rất kỹ trong chi tiêu và mua sắm hàng hóa nhằm đảm bảo ngân sách gia đình.
Song song đó, Saigon Co.op đang rà soát lại tất cả các nhóm hàng có ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá đầu vào, từ đó bàn bạc và đàm phán kỹ hơn với các nhà cung cấp về mức giá bán ra phù hợp theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.