Tác giả bức ảnh “Cụ bà đẹp nhất thế giới” xót xa cho văn hóa người Brâu

Tối 4-4, tác giả bức ảnh “Cụ bà đẹp nhất thế giới” Réhahn Croquevielle chia sẻ trên trang cá nhân cơ duyên được gặp người dân tộc thiểu số Brâu trong chuyến trở lại Việt Nam lần này của anh.
Tác giả bức ảnh “Cụ bà đẹp nhất thế giới” xót xa cho văn hóa người Brâu

(SGGPO).- Tối 4-4, tác giả bức ảnh “Cụ bà đẹp nhất thế giới” Réhahn Croquevielle chia sẻ trên trang cá nhân cơ duyên được gặp người dân tộc thiểu số Brâu trong chuyến trở lại Việt Nam lần này của anh.

Kèm theo đó là nỗi bùi ngùi trước sự hình dung về một nền văn hóa dần đi đến lụi tàn của một trong hai nhóm dân tộc thiểu số ít ỏi nhất Việt Nam - "dân tộc Brâu với chỉ 379 người", theo nhiếp ảnh gia Pháp.

“Không ai biết được cách may trang phục truyền thống và họ cũng không quan tâm đến điều đó”, nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle chia sẻ, “Đắk Mế là buôn làng cuối cùng trên bản đồ Việt còn người Brâu”.

Kèm với những dòng nội dung là hình ảnh một phụ nữ có tuổi người dân tộc Brâu với những nếp nhăn hằn trên gương mặt - đặc trưng thường thấy ở những bức ảnh chân dung của Réhahn Croquevielle.

Miệng người phụ nữ ngậm chiếc tẩu thuốc gỗ có cẩn bạc được làm tinh xảo, từ đó một làn khói thuốc bốc lên đầy sống động. Ánh mắt bà nhìn ra xa xăm. Cổ đeo chiếc vòng bạc mỏng lẩn bên trong chiếc cổ áo vải màu xanh đen mộc mạc. Nổi bật là đôi tai được nong hết cỡ bằng một loại trang sức đặc trưng.

Bức ảnh về người phụ nữ dân tộc Brâu mà nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle đăng tối 4-4 trên trang cá nhân

Bức ảnh nhanh chóng được hàng ngàn lượt thích, những bình luận khen ngợi, và hàng trăm lượt chia sẻ.

Được biết, người Brâu (còn gọi là người Brạo) là một dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại Campuchia, Lào và một ít tại Việt Nam. Tiếng Brâu là một ngôn ngữ trong ngữ tộc Môn-Khmer. Tại Việt Nam, người Brâu được công nhận là một trong 54 dân tộc Việt Nam. Theo điều tra dân số năm 1999 thì người Brâu, cùng với người Ơ Đu, là một trong những tộc người ít dân nhất hiện nay ở Việt Nam, chỉ với 313 người, còn theo ước tính năm 2006 thì có 84 hộ với dân số 322 người, sống tập trung ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, thuộc Tây Nguyên.

Trước đó vài ngày, vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, là những ngày Réhahn Croquevielle trở lại thăm Hội An - nơi anh phải lòng tà áo dài Việt. Anh đã hết lời khen ngợi và chia sẻ trên trang Facebook và Instagram khá nhiều hình ảnh thiếu nữ với tà áo dài bay bổng trong thời gian lưu lại Hội An.

Một trong những bức ảnh về tà áo dài Việt mà Réhahn yêu thích trong thời gian anh đến Hội An

Réhahn Croquevielle chính là tác giả bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu” - chụp chân dung cụ Bùi Thị Xong, người chèo đò đưa khách thưởng ngoạn trên sông Hoài, Hội An vào mùa hè năm 2011.

Bức ảnh ''Nụ cười ấn giấu'' được nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle  chọn làm ảnh trang bìa một cuốn sách ảnh của anh

Bức ảnh "Nụ cười ẩn giấu" được đăng trên một tạp chí Pháp và sau đó theo tác giả đi qua 40 nước, xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế và được báo chí Mỹ bình chọn là “Cụ bà đẹp nhất thế giới”. Ngày 8-3-2016, nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle trở lại Việt Nam trao tặng bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu” cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

LÂM AN

Tin cùng chuyên mục