Tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” tới Việt Nam

Cục Xuất bản cho biết, nhà văn, nhà báo Hellmut Kapfenberger, tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” sẽ có chuyến giao lưu với độc giả Việt Nam từ 13 đến 27-4.
Tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” tới Việt Nam

Cục Xuất bản cho biết, nhà văn, nhà báo Hellmut Kapfenberger, tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” sẽ có chuyến giao lưu với độc giả Việt Nam từ 13 đến 27-4.

Là một nhà báo lão thành, có nhiều gắn bó với Việt Nam, Kapfenberger đã từng sống và làm việc 7 năm ở Việt Nam với tư cách phóng viên thường trú của Thông Tấn xã Cộng hòa Dân chủ Đức ADN và Báo Nước Đức Mới, trong những năm 1970 - 1973 và 1980 - 1984.

Ông từng chứng kiến và đưa tin về cuộc kháng chiến gian khổ và anh hùng của nhân dân Việt Nam, về cuộc chiến tranh phá hoại điên cuồng của đế quốc Mỹ tại Việt Nam như ném bom, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng ngày 16-4-1972, dùng máy bay B-52 ném bom rải thảm ở Hà Nội và trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972. Năm 1973, ít lâu sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông là một trong số ít nhà báo được “vượt sông Bến Hải” để vào thăm vùng giải phóng ở Quảng Trị.

Từ lần đầu tiên tới Việt Nam, Kapfenberger đã có dịp về Làng Sen quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại mà ông hằng ngưỡng mộ và đây cũng là bước khởi đầu cho việc sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu về Bác. Sau nhiều năm say mê nghiên cứu, Kapfenberger đã thực hiện được mơ ước khi hoàn tất và xuất bản cuốn sách “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” bằng tiếng Đức.

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Đức - Việt, tháng 5-2010, cuốn sách “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” chuyển ngữ tiếng Việt đã chính thức phát hành.

Dưới ngòi bút của tác giả Hellmut Kapfenbeger, người đọc được dẫn dắt qua những chặng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là quá trình học tập của Hồ Chí Minh để tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình, của dân tộc, tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây; khoảng thời gian Hồ Chí Minh ra đi bôn ba khắp thế giới để tìm hiểu xã hội tư bản và cuộc sống tại các nước thuộc địa; quá trình trưởng thành trong nhận thức và tư duy thông qua hoạt động xã hội - chính trị ở nước ngoài…

Trong chuyến giao lưu và làm việc tại Việt Nam lần này, nhà văn, nhà báo Hellmut Kapfenberger dự định gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử như tướng Đồng Sỹ Nguyên, các chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn… Ông cũng có kế hoạch đi thăm các di tích liên quan tới tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử để chuẩn bị tư liệu cho cuốn sách tiếp theo của mình về Việt Nam liên quan tới con đường huyền thoại này. 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục