Tắc trách, yếu kém trong công tác tham mưu

Một sự kiện đang làm dư luận sửng sốt là khi thực hiện báo cáo cho Chính phủ trình Quốc hội về kết quả qua 6 năm thi hành Luật Thủ đô, Bộ Tư pháp đã đưa ra số liệu “thống kê gần đây nhất” về môi trường không khí của Hà Nội nhưng bị phát hiện đã dùng số liệu rất cũ, từ năm 2005, tức lạc hậu đến 14 năm. Bản báo cáo này đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ký. Trả lời báo chí về chuyện rất kỳ cục này, Bộ Tư pháp thừa nhận bộ phận làm báo cáo của bộ đã chủ quan trong khâu tổng hợp số liệu; tham khảo và tổng hợp thông tin từ một số nguồn tin trên mạng và báo chí, mà không phát hiện đó là thông tin cũ từ năm 2005.

Trong thời hiện đại, số liệu đo đạc môi trường của ao làng ngày hôm trước thì đến ngày hôm sau đã lạc hậu, huống chi số liệu đo đạc môi trường không khí của thủ đô từ 14 năm trước lại được xem là số liệu “thống kê gần đây nhất” để làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô. Dữ liệu đầu vào phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ bị sai sẽ dẫn đến các phân tích, đánh giá, điều hành và ban hành các quyết định quản lý đều sai. Do vậy, đây là việc rất tắc trách, yếu kém trong công tác tham mưu, nếu không được phát hiện kịp thời thì hậu quả sẽ rất nặng nề.

Nghị định 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24-1-2019 (về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước) đã quy định nguyên tắc việc cập nhật dữ liệu báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, chính xác và kịp thời, thống nhất từ địa phương đến trung ương để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước. Việc khai thác dữ liệu báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương trên cơ sở phân định quyền hạn, trách nhiệm cụ thể, đồng thời tuân thủ Luật Tiếp cận thông tin. Các thông tin, số liệu báo cáo phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế. Phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo khi được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo do mình cung cấp. Bộ luật Hình sự cũng đã có quy định xử lý đối với hành vi báo cáo sai trong quản lý kinh tế. Do vậy, hoàn toàn không thể chống chế hành vi tắc trách, yếu kém trong công tác tham mưu chỉ là do nhầm lẫn, chủ quan.

Thực tế cho thấy cần phải cấp bách chấn chỉnh nâng cao ý thức trách nhiệm và năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, không chỉ riêng với Bộ Tư pháp, mà cả ở nhiều bộ, ngành khác. Ví dụ, với Bộ Công an, khi thay thế chứng minh nhân dân (CMND) bằng căn cước công dân (CCCD) đã không dùng lại số thẻ CMND, mà lại cấp thêm một tờ giấy chứng nhận ghi CMND với số thẻ cũ được thay bằng CCCD với số thẻ mới. Do vậy mỗi khi người dân đi làm các giấy tờ nhà đất, hộ tịch..., đều phải nộp thêm một bản chứng thực sao y tờ giấy chứng nhận đó, rất phiền hà. Sẽ rất đơn giản nếu như trên CCCD có một dòng ghi rõ số thẻ CMND đã có trước đây. Rõ ràng công tác tham mưu của Bộ Công an cho việc cấp CCCD chưa khoa học.

Kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ về công tác cán bộ giai đoạn từ 2016 đến nay, cho thấy thực tế có một số cán bộ, viên chức khi được bổ nhiệm, tuyển dụng ở các bộ, ngành, địa phương còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong tổng số 284.668 công chức được đánh giá, phân loại, có 6.732 người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (chiếm 2,36%) và 1.690 người không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 0,59%). Đối với viên chức, trong tổng số 1.104.393 người được đánh giá, phân loại, có 4.244 người không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 0,38%).

Như vậy, số công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ rất ít. Nhưng thực ra con số này cũng chỉ là võ đoán, căn cứ trên kết quả bình xét, tưởng là khách quan, công bằng, nhưng thực ra lại rất chủ quan, chưa gắn với trách nhiệm. Cần áp dụng các phương pháp khoa học khách quan để đánh giá dựa theo hệ thống quản lý kết quả đầu ra. Những trường hợp có sai sót, tắc trách, yếu kém, lười nhác, ngồi sai chỗ phải bị sàng lọc.

Tin cùng chuyên mục