Tập huấn tại trường Đại học Kymen (gần thủ đô Seoul), Hàn Quốc từ tháng 4, ngay sau khi kết thúc giải vô địch taekwondo thế giới 2011 (từ ngày 1 đến 6-5 cũng tại Hàn Quốc), các VĐV Doãn Thị Hương Giang, Nguyễn Thanh Thảo, Nguyễn Thị Đường, Chu Hoàng Diệu Linh, Lê Huỳnh Châu và Dương Thanh Tâm tiếp tục ở lại nước bạn để tập huấn đến ngày 10-6, nhằm chuẩn bị cho sân chơi quan trọng khác - vòng loại Olympic Luân Đôn 2012.
1. Theo ông Vũ Xuân Thành - Trưởng bộ môn taekwondo Việt Nam, năm nay Việt Nam tham dự 2 giải tuyển chọn VĐV tham dự Olympic Luân Đôn. Giải đầu tiên diễn ra tại thành phố Bacu (Azerbaijan) từ ngày 30-6 đến 3-7. Đây là giải tuyển chọn dành cho tất cả các nước trên thế giới theo 8 hạng cân: 4 hạng cân nam (58, 68, 80, trên 80kg), 4 hạng cân nữ (49, 57, 67, trên 67kg) và mỗi nước chỉ được đăng ký 2 hạng cân nam, 2 hạng cân nữ. Nếu chưa giành đủ 4 suất, các nước được dự tiếp giải tuyển chọn cấp châu lục, riêng châu Á sẽ tổ chức từ ngày 4 đến 6-11 tại Bangkok, Thái Lan.
Tại vòng tuyển chọn cấp thế giới và châu Á, 3 VĐV đứng đầu mỗi hạng cân sẽ giành vé đến Luân Đôn. Tất nhiên, đấu trường cấp thế giới bao giờ cũng khó khăn và căng thẳng hơn đấu trường châu lục. Theo dự kiến, 6 VĐV vừa nêu sẽ tham gia vòng loại theo các hạng cân: Hương Giang (49kg), Thanh Thảo, Nguyễn Thị Đường (57kg), Diệu Linh (67kg), HCĐ thế giới 2011 Huỳnh Châu (58kg) và Thanh Tâm (68kg).
Trước lúc bước vào giải tuyển chọn, các nước đã được kiểm tra, chuẩn bị lực lượng tại giải vô địch thế giới vừa diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 1 đến 6-5 vừa qua. Theo ông Trương Ngọc Để - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, lần đầu tiên tham gia giải vô địch thế giới nên đa số VĐV Việt Nam đều dừng bước sau trận ra quân, nếu vượt qua được ngưỡng này, chắc chắn họ sẽ gặt hái kết quả tốt hơn vì chúng ta cũng có 2 VĐV chỉ thua đối thủ trong hiệp phụ (cái chết bất ngờ). Riêng Huỳnh Châu, nếu chuẩn bị tốt hơn, VĐV này có thể đổi màu huy chương cho taekwondo Việt Nam ở đấu trường thế giới. Cụ thể là giải năm nay có sự thay đổi: các trận bán kết, chung kết được dời sang thi đấu vào ngày hôm sau để tăng thêm tính hấp dẫn. Tuy nhiên, đây cũng là bất lợi cho ta vì các VĐV chỉ quen với cách chuẩn bị thi đấu trong ngày, nên hôm sau Châu chơi không đạt yêu cầu.
2. Trong bối cảnh trắng tay qua 3 kỳ Asian Games và 2 kỳ Olympic gần đây, ông Trương Ngọc Để cho rằng đây là thời kỳ khó khăn của taekwondo Việt Nam. “Sau giải vô địch thế giới, Thường vụ Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã họp rút kinh nghiệm và đề ra hướng đi sắp tới. Đó là ổn định lực lượng HLV và VĐV, chú trọng thể lực và kỹ thuật lẫn chiến thuật, cập nhật luật thi đấu vì để chuẩn bị cho Olympic Luân Đôn và sự tồn tại của taekwondo, Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF) đang thường xuyên đổi mới. Cũng chính vì luật thi đấu chưa thật sự ổn định cũng ảnh hưởng phần nào đến các nước, ngay cả Hàn Quốc cũng chỉ giành được 3 HCV/16 bộ huy chương. Theo tôi, đây là thành công bước đầu của việc sử dụng giáp điện tử, tạo sự công bằng như WTF mong muốn. Vấn đề còn lại là chúng ta biết tận dụng thời cơ, làm tốt công tác chuẩn bị mà thành công của Thái Lan là một điển hình tiêu biểu - nhanh chóng vươn lên đẳng cấp thế giới trong chu kỳ 6 năm từ 2003 đến nay”, ông Để bày tỏ.
Dù đang ở trong giai đoạn đầy thách thức khi một số trụ cột như Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Thị Hoài Thu… bị chấn thương, lớp trẻ lại còn non kinh nghiệm nhưng Bộ môn và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam vẫn quyết tâm giành tối thiểu 2 suất tham dự Olympic Luân Đôn 2012 và đoạt từ 5-6 HCV (kể cả quyền và đấu đối kháng) tại SEA Games 26 vào tháng 11 tại Indonesia.
* Danh sách các VĐV Việt Nam từng dự Olympic: Trần Hiếu Ngân, Nguyễn Thị Xuân Mai (2000), Nguyễn Quốc Huân, Nguyễn Văn Hùng (2004), Trần Thị Ngọc Trúc, Nguyễn Thị Hoài Thu (2008). Chiếc huy chương duy nhất ở đấu trường này do công Trần Hiếu Ngân - á quân hạng 57kg nữ. |
Trúc Quỳnh