Thời gian gần đây, bệnh viện (BV) Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (đột quỵ). Đa số bệnh nhân bị liệt người vĩnh viễn hoặc tử vong vì không được cấp cứu kịp thời. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay mỗi năm tại TPHCM có hơn 19.000 người mắc căn bệnh trên, trong đó hơn 1.000 trường hợp tử vong. Điều đáng nói, các chuyên gia y tế nhận định, số người bị đột quỵ đang trẻ hóa (dưới 50 tuổi).
- Đột quỵ tưởng... trúng gió
Đầu tháng 2-2010 vừa qua, bệnh nhân T.N.Liên (53 tuổi, ngụ TPHCM) được cấp cứu tại BV Nhân dân 115 trong tình trạng lơ mơ, liệt hoàn toàn bên phải, mất tri giác và ngôn ngữ.
Qua xét nghiệm, chụp MRI, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não cấp khiến cục máu đông làm tắc động mạch não… Không những vậy, qua điều tra bệnh sử cho thấy bệnh nhân bị cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tiểu đường. Điều quan trọng mà các bác sĩ ghi nhận là ngay sau khi phát hiện tình trạng của ông Liên, người nhà đã không kịp thời đưa ngay đến bệnh viện nên hậu quả nghiêm trọng hơn. Người nhà cho biết cứ tưởng ông Liên bị trúng gió làm cấm khẩu nên xức dầu, cạo gió nhưng không khỏi mới đưa đi bệnh viện.
Theo nhận định của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115, những trường hợp như ông Liên là khá phổ biến và nguy cơ tử vong rất cao. Chính vì vậy, BS Liên đánh giá cao việc cấp cứu kịp thời đối với bệnh nhân đột quỵ trong khoảng thời gian từ 3 giờ trở lại (tức cửa sổ vàng hay thời gian vàng). “Thời gian là yếu tố quyết định bệnh nhân đột quỵ có tử vong hay để lại những di chứng nghiêm trọng như liệt tay chân, liệt nửa người, liệt toàn thân hay không”, BS Liên nói.
Qua tổng kết của BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy cũng như một số bệnh viện khác, rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nhưng người nhà coi đó là biểu hiện của bệnh khác, như trúng gió, lên cơn đau tim, hạ đường huyết và tự chữa như cạo gió, châm cứu mà bỏ qua việc cấp cứu trong thời gian đầu.
Các dấu hiệu triệu chứng của đột quỵ như đột ngột yếu, liệt hoặc tê mặt, liệt tay hay chân, liệt một bên thân người, nhìn không rõ hoặc không nhìn thấy, đột ngột nói không được, nói lắp bắp khác thường hoặc nhức đầu dữ dội không có nguyên nhân rõ ràng và đột ngột chóng mặt, đi lại loạng choạng hoặc té… không được người nhà để ý. Vì vậy nhiều bệnh nhân bị liệt oan, thậm chí tử vong.
GS Lê Văn Thành, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, cũng khẳng định 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân ngã bệnh được xem là “thời gian vàng” vì khi đó các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Trong giai đoạn này, cứ một phút trôi đi sẽ có hai triệu tế bào thần kinh chết dần. Sau thời gian 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại nên khó có thể phục hồi.
- Xu hướng trẻ hóa
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, BV Nhân dân 115 vừa tiếp nhận hai trường hợp bị đột quỵ ở độ tuổi 20. Một trong 2 trường hợp là chị Nguyễn Thị A. (20 tuổi, ở Gò Vấp) nhập viện ngày 20-1 trong tình trạng không cử động chân tay, liệt nửa người bên phải. Qua chẩn đoán, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị nhồi máu não bán cầu phải. Còn theo người nhà cho biết, trong lúc đi vệ sinh, bỗng dưng thấy chị A. ngã quỵ xuống và kịp thời đưa đi cấp cứu…
Theo bác sĩ Liên, trong ba năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ ở độ tuổi trẻ đang có chiều hướng tăng lên từ 1,7% lên 2,5%. Trong đó tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp bốn lần nữ giới.
“Nếu như trước đây, bệnh nhân đột quỵ thường nằm trong độ tuổi từ 50- 60 trở lên thì hiện theo đánh giá của các bệnh viện đang trẻ hóa dần, từ 40 - 45 tuổi, và những bệnh nhân ở độ tuổi 20-30 cũng không còn hiếm…”, BS Liên cho biết… Qua các nghiên cứu gần đây của các bác sĩ BV Chợ Rẫy TPHCM, cuộc sống công nghiệp với lối sống mất cân bằng đang khiến nguy cơ đột quỵ ngày càng cao. Thực phẩm nhiều chất béo, hóa chất độc hại, rượu bia, thuốc lá được xem là những yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Hiện nay, các kỹ thuật điều trị đột quỵ cũng đã phát triển. Ngoài phương pháp tiêu sợi huyết bằng cách tiêm thuốc làm tan cục máu đông theo động mạch chủ, nay đã áp dụng thêm kỹ thuật chọc hút trực tiếp cục máu đông (gọi tắt là Prenumbra).
Theo BS Nguyễn Thị Kim Liên, kỹ thuật chọc hút Prenumbra (đưa một ống hút chọc thẳng vào não trúng vị trí cục máu đông làm tắc động mạch và hút ra) đang được áp dụng tại BV Nhân dân 115 là kỹ thuật tiên tiến hiện nay trên thế giới, giúp mạch máu não của bệnh nhân được tái thông hoàn toàn, và sau 5 giờ thì bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe dần ổn định nếu được cấp cứu trong khoảng “thời gian vàng”
TƯỜNG LÂM