Tái bùng phát nạn ăn xin

Người xin ăn, sinh sống nơi công cộng vẫn… nhan nhản trên nhiều tuyến đường, dù trước đó nửa năm (tháng 3-2016), Sở LĐTB-XH TPHCM cùng các sở, ngành và 24 quận, huyện đã đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, về quản lý người ăn xin.
Tái bùng phát nạn ăn xin

Người xin ăn, sinh sống nơi công cộng vẫn… nhan nhản trên nhiều tuyến đường, dù trước đó nửa năm (tháng 3-2016), Sở LĐTB-XH TPHCM cùng các sở, ngành và 24 quận, huyện đã đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, về quản lý người ăn xin.

14 người lang thang, ăn xin trên một cây cầu

22 giờ 30 đêm 14-9, cầu Chữ Y (nối quận 5, quận 8) có đến 7 điểm có người ăn xin, sinh sống nơi công cộng. Ngay đầu cầu quận 5, 1 người đàn ông mắc võng, đắp mền ngủ bên thành cầu. Cách đó vài bước chân theo hướng sang quận 8, một người phụ nữ để gánh ve chai, lấy các tấm ni lông quây lại và ngồi lọt thỏm trong đống lụp xụp. Đi tiếp chừng 5m, 1 người đàn ông trung niên mang đồ nghề như người bán vé số, ngồi bên lề cầu, cạnh chiếc xe lắc. Tuy nhiên, người này không mang vé số ra bán mà thường nhận tiền của người qua lại trên cầu dừng lại cho. Tiếp đó, một cụ già khoảng 60 tuổi lượm ve chai, ngồi tựa thành cầu. Cụ kể, tối tối cụ đi xe đạp lên cầu, ngồi đến giữa khuya bởi cầu nhiều người qua lại, có người cho cơm, có người cho tiền. Cách cụ già chưa tới 3m là một nhóm 3 người phụ nữ, 1 đàn ông ngồi túm tụm. Mỗi khi có người dừng lại, cả nhóm đều giơ tay xin tiền. Ngay lối rẽ trên cầu vào đường Chánh Hưng (quận 8) là chỗ của một người lượm ve chai khác chiếm lĩnh. Như vậy, chỉ nửa cầu Chữ Y bên phía quận 5, đã có tới 6 điểm gồm 9 người ăn xin, sinh sống nơi công cộng. Không dày đặc như nửa cầu phía quận 5, ở phía quận 8, chỉ có 1 điểm nhưng tập trung tới 5 người nón lá lụp xụp chờ đợi người qua đường bố thí. Nhìn bề ngoài, đa số những người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng trên cầu Chữ Y đều “núp bóng” hình thức bán vé số, lượm ve chai.

Người lang thang ăn xin trên cầu Chữ Y (quận 5, quận 8)

Không chỉ trên cầu Chữ Y, ở nhiều cây cầu, tuyến đường, ngã tư, chợ, cây xăng… cũng xuất hiện người xin ăn. Các địa điểm luôn là điểm “nóng” về người xin ăn như: cầu Bông, cầu Ông Lãnh, ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (quận 1); ngã tư Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3); giao lộ Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ; Nguyễn Trãi - Nguyễn Biểu; ngã tư Nguyễn Trãi - Châu Văn Liêm (quận 5);  ngã tư Gò Mây, Lê Trọng Tấn - quốc lộ 1A, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (quận Bình Tân); vòng xoay Lăng Cha Cả, ngã tư Cộng Hòa - Út Tịch, ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình)… Nếu như trước đây, người ăn xin “hành nghề” trực tiếp thì nay nhiều người chuyển sang giả dạng bán vé số, tăm bông, lượm ve chai song thực chất là xin tiền.

Đổ trách nhiệm cho lãnh đạo quận, huyện

Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH TPHCM), cho biết từ đầu năm đến nay, TP đã đưa 1.494 người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM. So với các năm trước, mỗi năm TP tập trung từ 3.000 - 3.500 người ăn xin, thì số người ăn xin ở TP được tập trung đã giảm nhiều. Số người ăn xin tập trung giảm là do thực tế giảm người ăn xin hay do công tác phát hiện, tập trung chưa hiệu quả trong khi thực tế còn phức tạp? Về vấn đề này, ông Lê Chu Giang cho rằng, việc phát hiện người ăn xin không khó, họ xin công khai chứ không giấu giếm. Nhất là lâu nay, TP duy trì 3 đường dây nóng để người dân báo tin người ăn xin (số 08.38292491, 0903959929 hoặc 08.35553258). Số người ăn xin được tập trung giảm một mặt do TP đã làm công tác này liên tục nhiều năm và mặt khác là kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố bạn cũng phát triển, nên lượng người vô TPHCM ăn xin ít hơn trước đây.

Trước tình trạng còn phức tạp, Sở LĐTB-XH đang có văn bản trình UBND TPHCM, đề xuất các giải pháp mới: Hỗ trợ người dân 200.000 đồng khi người dân phát hiện và giúp phường, xã, thị trấn tập trung người ăn xin; nếu quận, huyện nào để người ở địa phương mình đi xin ăn thì lãnh đạo quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Theo Sở LĐTB-XH, khoảng 80% người ăn xin là ở các tỉnh, thành khác đến TPHCM; còn 20% là người có hộ khẩu ở TP. “Các quận, huyện phải xem lại từng trường hợp, vì sao người dân phải đi ăn xin, người dân gặp khó khăn gì, cần hỗ trợ gì để có biện pháp hỗ trợ, tạo công ăn việc làm phù hợp”, ông Lê Chu Giang kiên quyết. 

Về việc thưởng 200.000 đồng cho người phát hiện và hỗ trợ phường, xã, thị trấn tập trung người ăn xin, theo Sở LĐTB-XH, tiền thưởng này chỉ dành cho đối tượng là người dân còn công chức, viên chức nhà nước không được lãnh, vì việc phát hiện, hỗ trợ tập trung người ăn xin thuộc trách nhiệm cán bộ, đảng viên phải phục vụ dân.

 - PHÓNG VIÊN: Vì sao Đà Nẵng dẹp được tình trạng ăn xin, còn TPHCM đặt ra vấn đề này cả chục năm nay mà vẫn chưa đâu vào đâu?

- Ông LÊ CHU GIANG, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH: Năm 2003, tôi và lãnh đạo Sở LĐTB-XH đã tới Đà Nẵng học hỏi kinh nghiệm. Các bạn cũng cười xòa nói “có gì đâu”. Thực ra, giải pháp của Đà Nẵng cũng như giải pháp của TPHCM. Nếu người ăn xin có hộ khẩu ở Đà Nẵng thì giao về địa phương có biện pháp hỗ trợ; nếu người xin ăn ở tỉnh khác thì đưa về tỉnh khác. Cách làm của TPHCM cũng vậy. Yếu tố thứ hai, theo tôi, ở Đà Nẵng, chuyện cho tiền người ăn xin là có nhưng không nhiều. Trong khi đó, người dân TPHCM quá nghĩa tình, hào hiệp, cứ thấy người ta đi xin thì cho. Sở LĐTB-XH đã tuyên truyền nhiều về việc không cho tiền người ăn xin, việc cho tiền đã giảm nhiều nhưng vẫn còn. Thứ ba, địa bàn, khu vực ở Đà Nẵng trong phạm vi kiểm soát tương đối còn TPHCM có địa bàn rộng, dân số quá lớn nên tình trạng phức tạp hơn.



Hành trình dẹp nạn ăn xin ở TPHCM

- Tháng 3-2007, Sở LĐTB-XH đưa ra kế hoạch “Giải quyết tình trạng người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP”. Mục tiêu: Đến năm 2010, TP sẽ cơ bản không còn tình trạng ăn xin.
- Tháng 9-2011, Sở LĐTB-XH lại trình UBND TPHCM kế hoạch giải quyết tình trạng ăn xin. Mục tiêu: đến năm 2013, các quận trung tâm của TP sẽ không còn người ăn xin. Đến năm 2015, giải quyết tình trạng này trên toàn địa bàn TP.
- Từ ngày 28-12-2014, TP lại rầm rộ bước vào đợt đưa người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng vào các trung tâm để chăm sóc (cùng với việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội). Mục tiêu: Đến dịp Tết Ất Mùi 2015, cơ bản hết người lang thang ăn xin.
- Tháng 3-2016, Sở LĐTB-XH cùng các sở, ngành và 24 quận, huyện bàn giải pháp giải quyết người ăn xin. Mục tiêu: Đến 30-4-2016, giải quyết triệt để tình trạng ăn xin ở khu vực trung tâm TP; các quận, huyện khác sẽ giải quyết cơ bản tình trạng này
- Hiện Sở LĐTB-XH đang trình UBND TPHCM dự thảo kế hoạch giải quyết người ăn xin, sinh sống nơi công cộng giai đoạn từ nay đến năm 2020. Mục tiêu: như cũ - cơ bản giải quyết tình trạng lang thang ăn xin.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục