Hiệu quả cao
Mới đây, tại Đà Lạt, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng trong thời gian tới. Theo Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 9-2019, diện tích cà phê cả nước ước đạt 688.300ha, năng suất đạt trung bình 2,6 tấn/ha, sản lượng cà phê nhân năm 2018 ước đạt 1.623 triệu tấn, tăng 94.000 tấn so với năm trước. Cây cà phê hiện được trồng tại 20 tỉnh, nhiều nhất là Đắk Lắk với gần 210.000ha, Lâm Đồng hơn 170.000ha, Đắk Nông khoảng 130.000ha.
Phó cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT Lê Văn Đức cho biết, hiện nay diện tích cà phê tái canh thời kỳ đầu bằng giống mới đã bước vào giai đoạn sản xuất kinh doanh cho năng suất vượt trội, đẩy năng suất cà phê tiếp tục tăng trong những năm gần đây. Đến nay, tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên là 118.202ha, đạt trên 98,5% kế hoạch (mục tiêu đến năm 2020 là 120.000ha), trong đó diện tích tái canh là 84.165ha, diện tích ghép cải tạo là 34.037ha.
Diện tích cà phê tái canh đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất và chất lượng cà phê nhân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Một số địa phương đã có những bước thay đổi vượt bậc nhờ chương trình tái canh. Tại Lâm Đồng, sau gần 6 năm triển khai thực hiện, chương trình đã đem lại một số hiệu quả như: trẻ hóa vườn cà phê già cỗi, diện tích sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi; góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 2,6 tấn/ha năm 2012 lên 3,1 tấn/ha năm 2018; sản lượng 365.923 tấn năm 2012 lên 507.782 tấn năm 2018. Riêng huyện Di Linh, Bảo Lâm có trên 10.000ha chuyên canh cà phê cho năng suất từ 4 tấn trở lên. Còn tại tỉnh Đắk Nông, năng suất bình quân trước khi tái canh là 2,4 tấn/ha, sau khi tái canh bằng cây thực sinh, năng suất trung bình đạt 3 - 3,5 tấn/ha; năng suất trung bình cà phê ghép cải tạo đạt 3,5 - 4 tấn/ha.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện tái canh cà phê tại các địa phương vẫn chưa đồng đều. Tỉnh Lâm Đồng đã tái canh được 58.244ha (đạt trên 127% kế hoạch đến năm 2020) nhưng tại Đắk Nông mới chỉ được 16.414ha (đạt 67% kế hoạch), Gia Lai là 11.932ha (đạt trên 67%).
Cần gỡ khó về vốn
Dù là địa phương đi đầu trong việc triển khai tái canh, ghép cải tạo trên cây cà phê nhưng theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu, vốn vay để thực hiện xuyên suốt giai đoạn tái canh cà phê vẫn là lực cản đối với người dân, vì hiện nay phần lớn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân đã được thế chấp tại ngân hàng nên nhiều hộ không thể vay tiếp để tái canh. Nhiều hộ dân còn thiếu vốn, mức cho vay đang được áp dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tối đa 150 triệu đồng/ha trồng tái canh và 80 triệu đồng/ha ghép cải tạo là quá thấp so với chi phí đầu tư thực tế, chưa đáp ứng nhu cầu vốn của nông dân.
Theo tính toán tại thời điểm hiện tại, chi phí đầu tư giai đoạn kiến thiết cơ bản cho 3 năm trồng mới, tái canh cà phê vối là 233 triệu đồng/ha; cà phê chè là 211 triệu đồng/ha; ghép cải tạo (tính 2 năm là 156 triệu đồng/ha). Bên cạnh đó, chi phí đầu tư trồng cà phê có sử dụng giống và hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp châm phân tự động, mức đầu tư từ 300 - 370 triệu đồng/ha, khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn, cho biết hiện nay giá một số sản phẩm bơ, sầu riêng… ở mức cao nên nông dân không muốn tái canh cà phê mà có khuynh hướng trồng xen và cải tạo dần. Việc nông dân áp dụng hình thức tái canh từng phần (cuốn chiếu) cũng là trở ngại cho việc thẩm định cho vay của ngân hàng.
Để chương trình tái canh cà phê những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao, Giám đốc dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) Lê Văn Hiến, cho rằng 5 tỉnh Tây Nguyên cần sử dụng thêm các nguồn vốn khác của địa phương để triển khai việc chứng nhận, nâng cấp bổ sung thêm các vườn ươm giống cà phê theo các tiêu chí của dự án VnSAT để đảm bảo cung cấp cây giống chất lượng phục vụ nhu cầu tái canh khác, ngoài vùng dự án. Các tỉnh Tây Nguyên nên linh động sử dụng các nguồn vốn Trung ương và địa phương để cung cấp thêm các gói vay tín dụng cho các hộ nông dân tái canh. Cần có các chính sách ưu đãi, đơn giản các thủ tục vay như dự án đã thực hiện để thúc đẩy hoạt động tái canh cà phê. Đại diện dự án VnSAT cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT các tỉnh tích cực phối hợp, hỗ trợ Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) để xây dựng, nhân rộng các vườn giống đầu dòng (hạt lai, chồi ghép) cấp huyện để chủ động nguồn giống cà phê cho các vườn ươm cây giống thương phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, cây cà phê là một trong những loại cây trồng chủ lực của Việt Nam, Bộ NN-PTNT khuyến khích nơi nào cây già cỗi không phù hợp với cà phê thì mạnh dạn thay đổi sang cây trồng khác. Tái canh cà phê là cơ hội tốt nhất để thay đổi giống mới, giống tốt. Tuy nhiên, cần làm tốt công tác giống, khi triển khai trồng xen cà phê với các loại cây khác cần thận trọng xem xét trồng tỷ lệ phù hợp giữa các cây trồng tránh mất lợi thế của các cây trên cùng diện tích canh tác. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động xây dựng chương trình tái canh sau năm 2020, lưu ý những vườn cà phê còn cho thu hoạch tốt thì chưa vội tái canh; ghép cải tạo phải theo dõi kỹ độ tương thích giữa cây cũ và giống ghép mới. |