(SGGP).- Tại hội thảo “NHTM Việt Nam 2012-2013: Cải cách để sống còn” được Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phối hợp với Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức ngày 25-4, các chuyên gia cho biết, mặc dù con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng được công bố chính thức chưa đến 3,7% vào năm 2011 và hiện đang duy trì ở mức khoảng 3,4% tổng dư nợ nhưng con số thực tế nhiều hơn. Hiện nợ xấu của các NHTM có xu hướng tăng lên, nhất là ở những NHTM nhỏ vì các DN không có khả năng trả nợ do tình hình kinh tế khó khăn.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia trong giai đoạn khó khăn này, Chính phủ cần lên một danh sách mua lại và làm sạch các khoản nợ xấu của các DN để các DN hoạt động bình thường. Khi mua nợ, Chính phủ sẽ có cổ phần trong đó để giám sát, khi DN đã hoạt động tốt hơn Chính phủ sẽ bán lại cổ phần, bán lại khoản nợ cũ cho DN để thu lại vốn.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ kinh tế Fullbright, cho rằng, khu vực ngân hàng Việt Nam có thể được tái cơ cấu thành công mà không đổ vỡ lớn nhưng đòi hỏi các hành động quyết liệt từ phía Chính phủ và một nguồn lực tài chính công đáng kể. Điểm cấp bách trước mắt là phải đưa ngân hàng thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay mặc dù tổng tài sản của các NHTM vẫn tăng nhưng các DN tốt vẫn không vay được vì lãi suất quá cao hoặc không có khả năng tiếp cận được vốn.
Tuy nhiên việc hỗ trợ tài chính từ Chính phủ là nhằm đảm bảo giá trị cho người gửi tiền chứ không phải để cứu chủ ngân hàng. Vấn đề mấu chốt ở đây là Chính phủ phải xử lý nợ xấu trên cơ sở tối thiểu hóa chi phí nhưng đạt được kết quả tốt nhất.
H.Nh.