Lãi suất liên ngân hàng đã “đội” lên mức 30%, thậm chí 40% kỳ hạn 1 tháng. Thanh khoản ngân hàng đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng. Trước thực trạng này, cùng với ý chí quyết liệt loại bỏ những ngân hàng yếu kém để bảo vệ hệ thống ngân hàng thì việc tái cấu trúc ngành này và câu chuyện sáp nhập, hợp nhất ngân hàng có lẽ không còn xa.
Lãi suất leo thang
Lãi suất liên ngân hàng đã tăng vọt chỉ một thời gian ngắn, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết liệt áp lãi suất trần 14% và tuyên bố kéo lãi suất cho vay về 17%-19%. Hiện tượng này, trái ngược với rất nhiều dự báo lạc quan trước đó.
Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng trong mấy ngày qua liên tục được đẩy lên các mốc 23%, đến 30% rồi vọt lên 40%. Tỷ lệ này xấp xỉ lãi suất “khủng” đã từng diễn ra vào những tháng đầu năm 2008, khi lãi suất liên ngân hàng cho vay qua đêm chạm mức 43%/năm. Mặc dù có ý kiến cho rằng, đây chỉ là mức lãi suất cục bộ ở một vài trường hợp, nhưng rõ ràng việc các ngân hàng cho vay lẫn nhau với mức lãi suất cao như trên, cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đang có vấn đề, nhất là với các ngân hàng nhỏ.
Theo các chuyên gia trong ngành, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh là diễn biến khác với các dự báo trước đó và căn bệnh thiếu thanh khoản của các ngân hàng yếu kém đang dần lộ diện.
Lãi suất huy động giảm đã khiến một lượng tiền lớn bị rút khỏi hệ thống ngân hàng, khiến tăng trưởng tín dụng trong tháng 9 giảm khá mạnh so với tháng trước. Dòng vốn được rút khỏi những ngân hàng nhỏ do lãi suất đã “cào bằng”. “Lợi thế” huy động lãi suất cao của họ không còn nữa, khiến các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn trong huy động vốn.
Bên cạnh đó, một lượng vốn không nhỏ được rút khỏi ngân hàng để đầu cơ vào vàng và ngoại tệ. Chỉ sau một tuần có chính sách bán vàng bình ổn, đã có hơn 10 tấn vàng được bán ra. Hiện tượng người dân vác bao tải tiền, xếp hàng chờ mua vàng không hiếm.
Một nhân tố cũng góp phần đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao là do tác động điều chỉnh của NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn, từ 14%/năm lên 15%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14% lên 16%/năm, đã có hiệu lực từ ngày 10-10. Không những vậy, việc tiếp cận được với nguồn tái cấp vốn cũng không dễ dàng đối với những ngân hàng nhỏ.
Do khó vay vốn từ NHNN và cũng khó huy động trong dân nên những ngân hàng nhỏ khát vốn và chỉ còn cách vay trên thị trường liên ngân hàng. Cầu vay tăng vọt khiến lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh. Bên cạnh đó, có nhận định cho rằng, những ngân hàng lớn biết ngân hàng nhỏ khó khăn nên làm giá, nâng lãi suất liên ngân hàng lên.
Đồng thời, việc lãi suất liên ngân hàng xuất hiện những dấu hiệu bất thường, có thể liên quan đến hàng loạt vụ đổ vỡ tín dụng đen và lừa đảo trong thời gian qua. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi ngân hàng sợ vạ lây nên không cho các tổ chức tín dụng “có vấn đề” vay vốn. Bên cạnh nhiều vụ vỡ nợ hàng ngàn tỷ đồng, con số 49.000 doanh nghiệp đang thua lỗ và dừng hoạt động, chiếm hơn 10% số doanh nghiệp đang hoạt động, có thể làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng vọt.
Theo công bố chính thức, tổng nợ xấu đến tháng 6-2011 đã lên đến 75.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu từ 2,16% cuối năm 2010, lên 3,13% cuối tháng 6 và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nữa. Trong khi đó nợ nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm tới 47%. Những khoản nợ xấu này có nguy cơ sẽ ăn hết vào vốn tự có của ngân hàng, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn hệ thống.
Tái cấu trúc, hình thành ngân hàng mạnh
Tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được xem một trong 3 nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện để tái cấu trúc nền kinh tế. Đây cũng là chủ đề được bàn tán trong dư luận và bình luận nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây.
Theo chủ trương đưa ra, cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính nhỏ để có các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính với quy mô lớn, uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống. Nhiều chuyên gia cho rằng tái cấu trúc ngân hàng là việc làm tất yếu và cấp bách hiện nay để bảo vệ hệ thống ngân hàng, củng cố uy tín ngành và niềm tin của người dân.
Với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, số lượng ngân hàng đang hoạt động hiện nay được xem là quá nhiều. Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến tháng 6-2011, Việt Nam có 5 NHTM nhà nước; 1 ngân hàng chính sách xã hội; 1 ngân hàng phát triển; 37 NHTM cổ phần tư nhân; 48 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 5 ngân hàng liên doanh; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 48 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài; 18 công ty tài chính và 12 công ty cho thuê tài chính. Ngân hàng mọc lên như nấm và vốn điều lệ nhỏ đã dẫn đến sự yếu kém của hệ thống ngành ngân hàng.
Hiện tại, NHNN đang dự thảo nghị định buộc các ngân hàng có vốn tối thiểu 5.000 tỷ vào năm 2012 và 10.000 tỷ đồng vào năm 2015. Nếu quy định này được ban hành, chắc chắn nhiều ngân hàng không thể đáp ứng được. Đây cũng là biện pháp mạnh để buộc các ngân hàng phải tái cấu trúc, sáp nhập để trở thành những ngân hàng mạnh.
Phú Thuận