Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2012 diễn ra hôm qua 17-12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, sâu sắc việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2012 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức. Đại diện một số Bộ, ngành, Hiệp hội cùng lãnh đạo tất cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam tham dự Hội nghị.
- Đóng góp quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận sự đóng góp tích cực, thiết thực của hệ thống ngân hàng vào thành tựu chung của đất nước trong năm nay.
Thủ tướng cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất, bảo đảm khả năng thanh khoản của toàn hệ thống và nền kinh tế phù hợp với diễn biến thị trường, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Năm 2011, tăng trưởng tín dụng khoảng 12-13%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong thời gian dài vừa qua (trung bình 5 năm vừa qua là 33,5%, trung bình 10 năm là 29,4%). Thanh khoản VND toàn hệ thống về cơ bản được đảm bảo, các mức lãi suất trên thị trường tiền tệ đã hợp lý hơn…
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng ngành Ngân hàng cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập để tập trung khắc phục trong năm 2012.
Quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém, đe dọa ổn định của toàn hệ thống. Thủ tướng yêu cầu “không thể để hệ thống ngân hàng tiềm ẩn rủi ro”.
- 2012: Tái cấu trúc quyết liệt, toàn diện, sâu sắc
Sau khi nêu ra những nhiệm vụ tổng quát năm 2012 là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tăng trưởng hợp lý; cơ cấu lại nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu NHNN và các ngân hàng thương mại cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thủ tướng đề nghị NHNN rà soát lại thể chế, quy chuẩn, quy phạm để hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời ngăn chặn hiệu quả những rủi ro.
NHNN cần thiết lập cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả; có chiến lược phù hợp để phát triển hệ thống ngân hàng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nền kinh tế, không để tiếp diễn tình trạng các ngân hàng chỉ tập trung phát triển tại các đô thị lớn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, yêu cầu tăng trưởng kinh tế theo các chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Điều hành chủ động, linh hoạt và hợp lý các công cụ chính sách tiền tệ để từng bước giảm dần mặt bằng lãi suất theo mức giảm của lạm phát, bảo đảm khả năng thanh khoản của nền kinh tế...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao nhiệm vụ trong năm 2012, NHNN phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, sâu sắc việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.
“Mục tiêu của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là hiệu quả, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, yêu cầu phát triển của đất nước. Tái cơ cấu để có một hệ thống hợp lý, phù hợp, đáp ứng cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất kinh doanh, có nhiều dịch vụ tiện ích; để không còn tình trạng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, đổ vỡ”, Thủ tướng nói.
Với nhóm các ngân hàng thương mại, Thủ tướng yêu cầu mỗi ngân hàng đều phải tự mình tái cơ cấu để mạnh hơn, hiệu quả hơn.
“Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế còn mỗi ngân hàng phải tự tái cơ cấu về mô hình, quản trị, vốn...”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Các ngân hàng cần nâng cao trách nhiệm xã hội, ủng hộ giúp đỡ nhau trong kinh doanh, chấp hành nghiêm phát luật, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng của mình, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của đất nước.
Xuân Tuyến – Nhật Bắc (VGP)