Đến nay, trong số 9 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém được xác định từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt 8 phương án tái cơ cấu. Thời gian tới, NHNN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu đối với ngân hàng (NH) còn lại; đồng thời chỉ đạo một số NH tiếp tục thực hiện việc mua bán sáp nhập với các tổ chức tín dụng.
Mekong Bank sẽ sáp nhập vào Maritime Bank trong thời gian tới. Ảnh: HUY ANH
Phát triển lành mạnh
Sau hơn 2 năm tái cơ cấu, đến nay, hệ thống NH đã giảm bớt 5 NHTM cổ phần yếu kém qua thương vụ sáp nhập (M&A), đó là: NH Đệ Nhất, NH Tín Nghĩa (sáp nhập với NH Sài Gòn thành SCB), NH Nhà Hà Nội (sáp nhập với NH Sài Gòn - Hà Nội thành SHB), NH Phương Tây (sáp nhập với Tổng Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam - PVFC thành PVcombank), NH Đại Á (sáp nhập với NH Phát triển TPHCM và Công ty Tài chính SGVF thành HDBank). Trong 4 NH yếu kém còn lại, NH Đại Tín (đã đổi tên thành NH Xây dựng - VNCB), NH Nam Việt (đổi tên thành NH Quốc dân - NCB) và NH Tiên Phong đang thực hiện phương án tự cơ cấu.
Còn GPBank hiện đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về phương án củng cố có sự tham gia góp vốn của tổ chức tín dụng nước ngoài. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, hầu hết các phương án tái cơ cấu NHTM cổ phần yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Sau khi sáp nhập, hợp nhất hoặc phương án cơ cấu lại được NHNN chấp thuận, các NH đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát của NHNN.
Riêng tại TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cũng cho biết, cơ quan này đã phối hợp với cơ quan các cấp thường xuyên giám sát việc thực hiện phương án tái cơ cấu của 8 NHTM cổ phần yếu kém nói trên.
“Hiện tình hình hoạt động của các NH này khá ổn định: tiền gửi và tài sản của người dân tại các NH này đều được đảm bảo an toàn, huy động vốn từ dân cư phát triển khá tốt, ngoại trừ NH Xây dựng vì có một số sai phạm. Nợ xấu của các NH này cũng đã được tích cực xử lý và thu hồi, các sai phạm đã từng bước được khắc phục, hoạt động của các NH đang cải thiện và thanh khoản tốt” - ông Minh nhận định.
Điểm lại kết quả kinh doanh các NH đã M&A cho thấy: 6 tháng đầu năm 2014, SCB công bố đã hoàn thành 102% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm, với 123 tỷ đồng; tín dụng tăng 7,8%; huy động tăng 12,1%; tổng tài sản tăng 11,8%. Tổng tài sản của NCB đến cuối tháng 6-2014 cũng đã tăng 20,6%; tín dụng tăng 32,5% và huy động tăng 34,1% so với cuối 2013; nợ xấu giảm từ 6,06% xuống còn 4,8%.
Một năm sau hợp nhất, PVcomBank cũng đã có những kết quả khả quan như huy động vốn đã tăng trên 60%; NH cũng đáp ứng tốt và trên chuẩn mực các tỷ lệ an toàn theo quy định. Riêng các NH tự tái cơ cấu như TPBank hiện tổng tài sản đã tăng gấp 2,5 lần so với trước khi tái cơ cấu, đạt gần 40.000 tỷ đồng, nợ xấu từ 5,8% giảm còn 2,3%. SHB hiện cũng giảm tỷ lệ nợ xấu trên 8% xuống còn khoảng 4%...
Tiếp tục tái cơ cấu
|
Theo NHNN, đối với các NH TMCP hoạt động bình thường, NHNN đã chấp thuận phương án tái cơ cấu của 24/25 NH, trong đó có 18 NH đã được NHNN phê duyệt. Riêng tại TPHCM, 14/14 NH có hội sở chính trên địa bàn TP đã có phương án tái cơ cấu, trong đó, 11/14 NH đã được NHNN phê duyệt, riêng 3 NH: Sacombank, Phương Nam và HDBank chưa được phê duyệt.
Nhận định về tình hình hoạt động của 14 NH này, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, đến cuối tháng 8-2014, 14 NH này huy động vốn đạt gần 922.000 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; dự nợ đạt gần 651.000 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm; hệ số sử dụng vốn của các NH là 70,6% so với năm 2013 là 73,8%. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của 14/14 NH đều có lãi với tổng số lãi đạt 4.655 tỷ đồng. “Hiện nay, các NH này đang tích cực triển khai các giải pháp tái cơ cấu theo đúng phương án được duyệt. Nhìn chung, tái cơ cấu đang đi đúng lộ trình nhằm đảm bảo tính ổn định và an toàn của hệ thống NH” - ông Minh cho hay.
Với chủ trương NHNN sẽ thu hẹp số lượng NH xuống còn 20 - 25 đơn vị, nên thời gian tới, những NH hoạt động không hiệu quả sẽ phải tiếp tục thực hiện việc sáp nhập để tăng lợi thế cạnh tranh, phát triển. Hai thương vụ sáp nhập lớn có thể nhắc đến trong thời gian tới, đó là Southern Bank sáp nhập vào Sacombank và Mekong Bank sáp nhập vào Maritime Bank vì 2 thương vụ này vừa được NHNN chấp thuận chủ trương.
Ngoài ra, thời gian gần đây tại TPHCM cũng có dư luận cho rằng sẽ có 2 NH có chung một cổ đông lớn sẽ xúc tiến xin ý kiến của cổ đông để xây dựng phương án sáp nhập, trình NHNN. Đó là một NH đã sáp nhập với vốn điều lệ khoảng 9.000 tỷ đồng sẽ sáp nhập thêm 1 NH nhỏ có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng vì NH nhỏ này đang trong tình trạng khó khăn.
Giới thạo tin cho rằng, NH có vốn điều lệ 9.000 tỷ này nhiều khả năng là PVcomBank (sáp nhập từ PVFC và WesternBank). Riêng NH nhỏ có vốn 3.000 tỷ thì hiện có khoảng 10 NHTM, tuy nhiên theo giới thạo tin thì 2 NH được “khoanh vùng” để sáp nhập có thể là 2 NH hiện có cổ đông lớn là 2 tập đoàn Nhà nước.
HẠNH NHUNG