Tái hiện quá trình du nhập của y tế phương Tây vào Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2024), NXB Tổng hợp TPHCM giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873 - 1945) của tác giả Bùi Thị Hà. Tác phẩm giới thiệu đến độc giả quá trình du nhập của y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (Việt Nam) và định hình về lĩnh vực y tế Việt Nam cho đến sau này.

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, phục vụ quá trình xâm lược, khai thác và cai trị thuộc địa, thực dân Pháp đã du nhập y học phương Tây vào Bắc Kỳ, từng bước lập ra những cơ sở y tế hiện đại đầu tiên ở đây. Trước khi y tế phương Tây phát huy vai trò của một nền khoa học sức khỏe cho người dân thuộc địa, người Pháp đã áp dụng phương thức y tế này phục vụ quân đội và chính quyền Pháp ở nơi đây.

Việc hình thành và phát triển của y tế phương Tây ở Bắc Kỳ đã trải qua một quá trình lịch sử với nhiều giai đoạn khác nhau, gắn bó chặt chẽ với sự vận động của chế độ thuộc địa mà thực dân Pháp tạo dựng ở Việt Nam. Từ đó, một hệ thống các cơ sở y tế hiện đại được thiết lập ở Bắc Kỳ trên tất cả các phương diện từ lý thuyết, đến thực tiễn tổ chức.

20240129-205859-4295.jpg
Ấn phẩm "Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873 - 1945)" dày 376 trang, cho bạn đọc thấy được dòng chảy lịch sử bước đầu đưa y tế phương Tây du nhập vào Bắc Kỳ

Từ những cơ sở y tế ban đầu phục vụ đội quân viễn chinh như trạm cứu thương, bệnh xá, bệnh viện quân sự, đến đầu thế kỷ XX, cơ cấu của một ngành y tế hiện đại gồm các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở phòng ngừa dịch bệnh và nghiên cứu y học được thiết lập. Một đội ngũ nhân lực y tế người Âu và người bản xứ cũng lần lượt được xây dựng, tham gia vào hoạt động chuyên môn tại các cơ sở y tế.

Đồng thời, việc thiết lập y tế phương Tây tại Bắc Kỳ đã mở ra quá trình tiếp cận với y học và khoa học hiện đại của người Việt. Lần đầu tiên, người Việt được tiếp xúc, ứng dụng và thụ hưởng những thành tựu tiên tiến của khoa học kỹ thuật thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. Người Việt vừa đấu tranh chống lại ách xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp, vừa từng bước tiếp nhận nền y học hiện đại mà người Pháp mang tới.

img-20240226-085434-2057.jpg
Tác giả, TS Bùi Thị Hà

Vì vậy, việc tiếp nhận này diễn ra trong một quá trình dài, với nhiều chiều cạnh khác nhau; chịu sự chi phối từ chính sách thuộc địa của từng Toàn quyền, từ mục tiêu mà nền y tế này hướng tới, từ sự khác biệt về văn hóa Đông - Tây trong tư duy khám chữa bệnh và phòng dịch, từ khả năng tiếp cận (về chi phí) của người dân, nhất là người dân thôn quê.

Sự xuất hiện y tế phương Tây đã mở ra khả năng tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, mở ra cách tiếp cận mới, bước đầu tác động làm thay đổi thói quen, suy nghĩ của cộng đồng trong công tác phòng và chữa bệnh. Hoạt động của y tế phương Tây ở Bắc Kỳ thời kỳ 1873 - 1945 đã đặt nền móng cho sự hình thành của ngành y tế hiện đại ở Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo.

Y tế phương Tây đã đào tạo được một đội ngũ bác sĩ tài hoa sau này tham gia kháng chiến và xây dựng nền móng của y tế cách mạng, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Để có thể viết nên ấn phẩm Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873 - 1945), TS Bùi Thị Hà (hiện công tác tại Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã có nhiều nỗ lực thu thập từ các tài liệu lưu trữ không chỉ ở Hà Nội, TPHCM mà còn có được những tài liệu được khai thác gần đây ở Paris, Aix-en-provence (Pháp). Tác giả cũng không bỏ qua các “tư liệu sống” của Bộ Y tế, Đại học Y Hà Nội, các cơ sở y tế...

Điều này rất quan trọng, giúp tác giả lý giải được mối quan hệ phức tạp giữa y tế của chế độ thực dân và sự hình thành, phát triển của y tế phương Tây ở nước ta trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Hy vọng, tác phẩm đầu tiên này của Bùi Thị Hà sẽ mở ra hướng nghiên cứu đầy đủ hơn về lịch sử y tế phương Tây ở Việt Nam cận hiện đại.

Tin cùng chuyên mục