Tai nạn lao động trong xây dựng - Hiểm họa chực chờ

Liên tiếp xảy ra chết người
Tai nạn lao động trong xây dựng - Hiểm họa chực chờ

Theo Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, năm 2010 trên địa bàn xảy ra 892 vụ tai nạn lao động, làm chết 108 người, đứng đầu cả nước về số vụ cũng như số người chết. Riêng năm 2011, tuy thống kê chưa đầy đủ nhưng trên địa bàn TPHCM xảy ra ít nhất 16 vụ tai nạn lao động chết người, trong đó tập trung hầu hết ở các công trình xây dựng. Trong tháng 2-2011, số vụ tai nạn lao động có người chết tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế vì nhiều đơn vị cố tình ém nhẹm thông tin…

Làm việc trên cao nhưng công nhân không có dây đeo an toàn.

Làm việc trên cao nhưng công nhân không có dây đeo an toàn.

Liên tiếp xảy ra chết người

Ngày 13-1, trong lúc sửa chữa đường ống máy lạnh của công ty trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), anh P.Q.K. (26 tuổi), đứng trên nóc thang máy sửa đường ống đặt bên trong vách, một người khác đứng ở buồng thang máy. Sau khi kêu nhân viên đứng trong thang máy vận hành, anh K. bị thang máy ép gây tử vong và phải 2 giờ sau lực lượng cứu hộ mới đưa được xác ra. Cách đó 2 ngày, cẩu tháp cao 45m có tay cẩu vươn ra hơn 50m tại công trình xây dựng khu tái định cư trên đường Chu Văn An (phường 12, quận Bình Thạnh) đang vận chuyển những khối bê tông nặng hàng chục tấn bất ngờ đổ sập xuống móng công trình. Vụ tai nạn lao động làm anh Đ.V.Q. 23 tuổi quê Nghệ An tử vong và một công nhân khác bị thương nặng.

Mới đây, vào ngày 7-3, tại công trường xây dựng chung cư The Vista trên Xa lộ Hà Nội (phường An Phú, quận 2), khi đang tháo giàn giáo trên tầng 3, bất ngờ thanh sắt nơi anh N.TA. vịn tay bị gãy làm anh rơi xuống đất. Anh A. đã chết trước khi nhập viện. Một số công nhân cho biết, anh A. chết để lại vợ và 2 con nhỏ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hay mới đây nhất là vào ngày 16-3, tại công trình xây dựng căn hộ cao cấp Quốc Cường Gia Lai II (xã Bình Hưng, Bình Chánh), công nhân T.V.H. rơi từ trên tầng 13 xuống tầng hầm, bị 1 thanh thép xuyên qua người, chết tại chỗ…

Theo một cán bộ Sở LĐTB-XH TPHCM, hầu hết tai nạn lao động xảy ra trên công trường đều không được đơn vị thi công, hay chủ đầu tư khai báo. Khi sự việc vỡ lở, lực lượng chức năng mới hay tin, nhưng ở một mức độ rất hạn chế so với thực tế. Thậm chí, có những doanh nghiệp nhà nước khi xảy ra tai nạn lao động cũng không báo cáo vì sợ mất thành tích và chọn phương án tự thỏa thuận, đền bù với người nhà nạn nhân.

Nguy cơ chực chờ

Mặc dù tai nạn lao động trong ngành xây dựng đã được cảnh báo từ lâu nhưng số vụ tai nạn chết người vẫn không giảm. Ý thức về an toàn lao động tại các công trường của chủ thầu và người lao động vẫn còn quá kém. Tại một công trình xây dựng trên đường Quang Trung cạnh UBND quận Gò Vấp, giữa trưa nắng gắt, một công nhân treo mình trên tầng 3 để hàn các trụ thép chênh vênh nhưng không được thắt dây an toàn và mang giày bảo hộ. Một số công nhân khác không mặc đồng phục bảo hộ, đầu đội nón vải, chân đất đang vận chuyển vật liệu lên tầng cao. Dưới tầng trệt, nhiều ống dẫn nước hở mối chảy xì ra xung quanh, trong khi cạnh đó nhiều dây điện, phích cắm, mỏ hàn… bỏ ngổn ngang.

Tương tự, một công trình khác trên đường Bình Thới (quận 11), nhiều công nhân cũng bất cẩn không kém. Công trình đang trong thời gian hoàn thiện, một công nhân cùng với chiếc thang tre treo mình lơ lửng trên tầng 4 để quét sơn tường nhưng không có một thiết bị bảo hộ nào trên mình. Ở tầng 1, 3 công nhân đang trét tường ngồi trên giàn giáo cũng không mang một thiết bị an toàn nào, thậm chí còn mặc quần cộc để làm việc. Lưới che chắn công trình sơ sài, đất đá văng tung tóe. Hay một công trình xây dựng cao tầng trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), mặc dù thi công trên tầng cao nhưng rất ít công nhân đeo dây an toàn chứ chưa nói đến các thiết bị bảo hộ lao động khác. Các tầng cao không làm lan can an toàn, dây điện giăng chằng chịt, chỉ cần sơ sẩy một chút là tai nạn xảy ra. Thậm chí khi chúng tôi thắc mắc, một số công nhân còn cho rằng mang thiết bị bảo hộ lao động vào vướng víu khó làm việc!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít công nhân làm việc tại các cao ốc đang xây hưởng lương theo công nhật, làm ngày nào tính lương ngày đó. Giữa họ và các chủ đầu tư, nhà thầu hoàn toàn không có mối ràng buộc về mặt pháp lý. Còn phí nhà thầu chủ yếu bán lại cho các cai thầu thực hiện từng hạng mục. Các cai thầu chủ yếu là thuê lao động theo thời vụ, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Ngay chính bản thân họ cũng không được trang bị kiến thức về vệ sinh, an toàn lao động, chỉ đến khi xảy ra sự cố, họ mới biết là sai.

Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, nhìn nhận, tình trạng “khoán trắng” cho các cai thầu để chạy theo tiến độ nên chủ thợ không quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho người lao động mà chỉ quan tâm đến tiến độ nên tai nạn đáng tiếc vẫn thường xuyên xảy ra. Mặc dù, đã có quy định, những người làm việc ở nơi có nguy cơ tai nạn cao phải được huấn luyện an toàn và cấp thẻ an toàn lao động. Nhưng thực tế, ở nhiều công trình xây dựng cao tầng, khi thanh tra an toàn lao động vào kiểm tra, nhiều lao động không có thẻ an toàn. Người lao động thời vụ do thiếu đào tạo cơ bản, thiếu kiến thức về an toàn lao động nên không thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình làm việc an toàn.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục