Tại sao không?

Nếu có thể khẳng định một điều chắc chắn tại kỳ họp thứ 66 của Đại hội đồng LHQ thì đó chính là “chẳng có một Nhà nước Palestine nào ra đời cả”. Từ nhiều tháng trước, Mỹ đã tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết nhằm ngăn mọi yêu cầu gia nhập LHQ của Palestine tại Hội đồng Bảo an.

Trong bài phát biểu của mình hôm 21-9 tại LHQ, Tổng thống Mỹ B.Obama một lần nữa khẳng định tuyên bố trên vì đây là cách độc lập “không phải là một kết quả của một giải pháp đàm phán với Israel”. Theo ông Obama thì “hòa bình phụ thuộc vào sự thỏa hiệp giữa những người phải sống chung với nhau một thời gian dài. Đó là bài học của Sudan, nơi mà một giải pháp đàm phán dẫn đến một nhà nước độc lập. Và điều đang và sẽ là đường dẫn đến một Nhà nước Palestine chính là các cuộc đàm phán giữa các bên”.

Có lẽ, khi nói những điều này, Tổng thống Obama đã quên một ví dụ nổi bật của nền độc lập đơn phương - Nhà nước Kosovo - đã được Hoa Kỳ công nhận cách đây 3 năm mà thậm chí không thông qua một giải pháp đàm phán với Serbia.

Xét về mặt lịch sử, Serbia có cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn so với Israel để phản đối độc lập đơn phương. Kosovo vốn được coi là cái nôi bản sắc dân tộc của Serbia. Trong nhiều thế kỷ, Kosovo gồm đa số người Serbia, nhưng vào thế kỷ 19, dân tộc Albania trỗi dậy và dần thành bộ phận đa số ở Kosovo. Kosovo không chỉ được công nhận như là một phần của Nam Tư  trước những năm 1990 mà là một tỉnh thuộc nước Cộng hòa Serbia. Trong khi đó, Bờ Tây và Gaza (không nói đến việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem) chưa bao giờ được công nhận như là một phần của Israel. Giống như nhà lãnh đạo Palestine Yasir Arafat lần đầu tiên tuyên bố chủ quyền Palestine vào năm 1988, lãnh đạo Ibrahim Rugova người Albania ở Kosovo lần đầu tiên tuyên bố Kosovo độc lập vào năm 1990. Khác nhau ở chỗ không có bất kỳ cường quốc nước ngoài nào công nhận Kosovo tại thời điểm đó, nhưng ngày nay, 127 quốc gia thành viên của LHQ đã công nhận Nhà nước Palestine.

Mâu thuẫn sắc tộc luôn là vấn đề nhạy cảm. Nó càng nhạy cảm và dễ bùng nổ hơn khi vấn đề này bị lợi dụng vào các mục đích chính trị. Serbia đã làm tất cả, từ đề nghị trao cho Kosovo quy chế tự trị rộng rãi nhất đến sẵn sàng chấp nhận để vùng đất này trở thành một “Hồng Công” biệt lập trong lòng Serbia, nhưng cũng không ngăn được tham vọng ly khai của cộng đồng người Albania chiếm đa số ở đây. Trong khi các cuộc đàm phán về tương lai của tỉnh tự trị này còn đang diễn ra thì một số nước phương Tây do Mỹ cầm đầu đã công khai tuyên bố sẵn sàng hậu thuẫn cho độc lập của Kosovo mà quên đi cam kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Serbia theo Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an LHQ. 

Nếu một nhà nước độc lập của Palestine chỉ nên được công nhận với sự chấp thuận của Israel, thì tại sao Mỹ công nhận độc lập của Kosovo trong năm 2008, dù Serbia phản đối? Với người Mỹ, rõ ràng mục tiêu cạnh tranh chiến lược với một nước Nga đang trở lại hưng thịnh vẫn là chủ đạo. Rõ ràng, Israel phục vụ lợi ích cho các chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông, còn dòng Chính thống Kitô giáo Serbia lại có lịch sử gắn bó với Nga. Trường hợp Kosovo từng được NATO và Mỹ can thiệp với cái cớ ngăn chặn xung đột sắc tộc giữa người Albania và người Serbia. Với Palestine, là lý do tránh xung đột đẫm máu trong khu vực. Nhưng trên tất cả, Kosovo hay Palestine đã trở thành một quân bài trong cuộc chơi của các nước lớn. Đã đến lúc nên đặt câu hỏi “nếu Kosovo có quyền tồn tại, tại sao Palestine lại không”?

Lê Vân

Tin cùng chuyên mục