Tại sao “vua” cứ bị kiện

- Làm trọng tài bóng đá ở Việt Nam khó thật nhưng với giới trọng tài thì được làm, được phân công lại là một ân huệ.

- Ông Phạm Văn Quang trước khi giải nghệ để chuyển sang công tác giám sát đã nói một câu để
đời mà đến giờ nhiều người vẫn thuộc làu: “Trọng tài giỏi là trọng tài biết cách ăn gian !”...

- Giới trọng tài có luật “Omerta” nhưng vẫn kháo nhau tại sao trọng tài này được ưu tiên còn trọng tài kia thì bị đì.

Tại sao “vua” cứ bị kiện ảnh 1

Tổ trọng tài đang làm nhiệm vụ tại một trận đấu ở V- League.

Hiền như ông Vương Tiến Dũng thế mà cuối cùng vẫn phải cắn răng nộp án phí để kiện trọng tài Phạm Hữu Lộc. Đấy là lần đầu tiên đội Becamex Bình Dương kiện “vua”. Những lần trước khi gặp cảnh bất bình, ông Trưởng đoàn Nguyễn Văn Đường thường than thở: “Thôi, anh em làm có cái khó của anh em, kiện làm gì để mất hòa khí, để khó cho Ban tổ chức...”.

Bây giờ thì Bình Dương đã kiện và chấp nhận mất hòa khí. Kiện không phải vì “cú” việc bị Gạch Đồng Tâm qua mặt mà nói như ông Vương Tiến Dũng là kiện vì sự trong sáng của bóng đá Việt Nam và vì không muốn các đội cứ nơm nớp lo bị trọng tài bắt chẹt. Một nguyên nhân khác khiến Bình Dương kiện quyết liệt đó là trước khi tổ trọng tài này điều hành, họ đã báo cáo những bất hợp lý và dự báo Bình Dương sẽ bị ép nhưng những người có trách nhiệm đã làm ngơ. Kết quả là Bình Dương bị ép thật.

Cùng thời điểm Bình Dương bị ép, trên sân Hàng Đẫy, trọng tài Lê Văn Tú đã bị HLV Thụy Hải mắng thẳng vào mặt là vô lương tâm vì những tiếng còi lệch lạc, đẩy đội khách vào thế khó khăn...

Ban tổ chức đã xem và đã xử cũng hệt như đã từng xử 6 trọng tài, 5 giám sát ở lượt đi. Điều ấy không làm những đội bóng trần thân ra thi đấu mà bị ép hoặc bị đè ngửa ra thỏa mãn. HoÏ đã mất điểm và cũng có thể là đội không mất điểm (như Đà Nẵng) nhưng những gì mà các cầu thủ phải chống chọi lại với cán cân tư tưởng thì đúng là một sự tra tấn cực kỳ tệ hại ảnh hưởng đến tinh thần và nhiệt huyết của người cầu thủ.

Lâu nay, nhiều người và nhiều đội bóng vẫn than thở nhiều trọng tài “ác” quá! Nhưng rõ ràng trong cái “ác” ấy còn có sự tiếp tay của những đội bóng hay những người làm công tác tiếp cận với trọng tài để đội bóng mình dễ thở hơn nhằm thực hiện được mục đích. Căn bệnh ấy đã lây lan và có lúc đã trở nên chuyện thường ngày mà nhà nhà đều chơi và đội đội đều chơi theo cái cách riêng của mình.

Giới trọng tài thường kháo nhau chuyện làm đúng cũng có thưởng. Sự thưởng tưởng như là thông cảm với các trọng tài phải chịu khổ khi đi làm giải nhưng có khi lại cũng là những khoản nợ cho các cuộc tiếp xúc và nhờ vả hoặc trao đổi có điều kiện sau này.

Trong giải này, điều tiếng xấu về những món lại quả mà có đội đặt ra cho “vua” như thắng sân khách 60 triệu đồng và hòa là 30 triệu đồng là có. Nó đã được truyền miệng và không thể nói những người có trách nhiệm không biết.

Những chuyện ấy, chỉ một mình các ông “vua” đánh lẻ thì khó thành. Và cái kẻ hở lớn nhất nằm ở bộ phận phân công, điều phối trọng tài. Cái bộ phận mà người ta luôn đổ tội cho tập thể nhưng thực chất chỉ có một người nắm quyền sinh sát và cũng có quan hệ mật thiết với không ít các trọng tài có máu mặt.

Chuyện ông Phạm Hữu Lộc bị kiện không phải vì một trận làm Becamex Bình Dương mất điểm mà nó đã được HLV đội này thống kê ra cả một quá trình sai phạm kéo dài. Bây giờ thì đã đến lúc người ta nghi ngờ cả cái chữ FIFA được gắn trước ngực. Cũng hệt như trọng tài Dương Văn Hiền hai năm trước được những người phân công đặc cách thay trọng tài Võ Minh Trí làm trận chung kết với Gạch Đồng Tâm – Hoàng Anh Gia Lai để rồi làm tan nát cả một trận đấu vì cái gọi là lỗi nhận định.

Ông Dương Văn Hiền khi ấy được chỉ ra từng lỗi nhưng đến lúc người ta định xử lại cũng là lúc trọng tài này được cửa đi Myanamar làm nhiệm vụ. Sự tệ hại ấy và sự né trách của những người có trách nhiệm đã làm mất niềm tin nhiều người, trong đó có cả chính giới trọng tài và những người chân chính ít ỏi.

Trọng tài Phạm Văn Quang khi đương thời và từng được xem là chiếc còi vàng đã phán một câu xanh rờn trước mặt các đàn em và nhiều giới câu: “Trọng tài giỏi là trọng tài biết cách ăn gian”. Bây giờ thì câu nói ấy vẫn còn có “giá trị” khi có nhiều đàn em học và áp dụng.

Ai cũng nói nghiệp trọng tài bạc bẽo nhưng để một trọng tài đi lên từ phong trào vào đến cầm còi các giải vô địch quốc gia lại phải qua rất nhiều khâu, nhiều cửa.

Cựu Tổng thư ký Trần Bảy khi còn làm Trưởng giải thường đưa ra kinh nghiệm xương máu của mình là “Ai nắm được và khiển được các trọng tài thì người ấy đã nắm được hơn phân nửa thành công của giải”.

Bây giờ thì ông Trưởng giải từng có quan hệ với trọng tài đã không nắm trọng tài nhưng lại trao cho ông Ủy viên Hội đồng trọng tài cái quyền to hơn ông Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

Nhìn vào cách phân công và nhìn vào những trận đấu có “màu” trao cho các trọng tài “quen”, không ai nói ông Ủy viên kém cỏi trong việc phân công mà luôn hỏi “Tại sao và cái gì khiến ông ấy làm như thế?”.

Ban tổ chức vẫn còn nợ người hâm mộ lời hứa làm sạch và làm đến nơi đến chốn đội ngũ trọng tài.
Đó là nỗi đau không chỉ của người hâm mộ mà là của cả nền bóng đá.

Nguyễn Nguyên

Tin cùng chuyên mục