Tuần qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM và Công ty Bodydens (Bỉ) đồng tổ chức Hội thảo “Cải tạo phát triển khu trung tâm thành phố: Công trình xanh và bảo tồn phát triển di sản kiến trúc đô thị”. Tái sử dụng công trình kiến trúc cũ là một trong những hướng bảo tồn độc đáo, thú vị được đưa ra trong hội thảo này.
Lưu giữ ký ức và tiết kiệm vật liệu
Kiến trúc sư Luc Van Muyzen là người đã trình bày ý tưởng tái sử dụng công trình kiến trúc cũ như là một trong những phương thức bảo tồn. Ý tưởng này như thế nào? Theo Kiến trúc sư Luc Van Muyzen, đó là cải tạo nâng cấp một phần hoặc toàn bộ công trình kiến trúc cũ, “khoác” cho “nó” công năng mới và nếu cần có thể xây thêm công trình kiến trúc mới “bổ trợ” cho công trình cũ.
Sự bổ trợ này có thể cho công năng, cho cảnh quan hoặc cả hai... Châu Âu, những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên để phục vụ cho sự phát triển của nền công nghiệp… Những công trình kiến trúc này giờ đây (thực ra là đến những năm cuối thế kỷ 20) đã trở nên lạc hậu. Đập đi, xây mới, việc không khó nhưng đó không phải cách khôn ngoan. Các kiến trúc sư cùng các kỹ sư xây dựng đã bắt tay vào làm việc.
Bước đầu tiên: nghiên cứu, đánh giá tìm ra những nét độc đáo của kiến trúc cũ. Những nét kiến trúc độc đáo sẽ được ưu tiên giữ lại trong quá trình tái sử dụng. Nhiều công xưởng cũ của châu Âu ghi dấu một thời công nghiệp sôi sục phát triển đã được lưu giữ lại bằng cách này thông qua việc chuyển đổi công năng cho chúng. Có nơi nhà xưởng được cải tạo thành nhà ga và có nơi nhà xưởng đã được cải tạo thành trung tâm thương mại, khu vui chơi cho trẻ em…
Ngay cả nhiều cao ốc cũ nếu xét bằng con mắt thông thường, không có nhiều giá trị lưu giữ ký ức cũng được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến hành cải tạo. Kiến trúc sư Luc Van Muyzen đã đưa ra một ví dụ: Một cao ốc rất bình thường nằm trong một khu phố cũng rất bình thường của Bỉ. Cao ốc chỉ nổi bật với hàng lam che nắng. Kết quả, hàng lam này đã được giữ lại trong quá trình cải tạo cao ốc.
Công trình kiến trúc cổ và hiện đại kết hợp tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Cùng quan điểm này, kiến trúc sư Karl Anthoni đã giới thiệu khá nhiều công trình kiến trúc cũ được lưu giữ lại bằng phương thức cải tạo. Một tòa nhà hành chính của một thị trấn ven biển quá tải trước sự phát triển… Ngôi nhà này không phải là một kiến trúc độc đáo, thậm chí nhìn qua hình, nó đơn giản như một ngôi nhà cấp 4 ở Việt Nam. Thế nhưng, để lưu giữ lại quá khứ, kiến trúc sư Karl Anthoni cho biết, người ta đã xây một tòa nhà mới hình cánh buồm chồng lên trên tòa nhà hành chính cũ. Còn tòa nhà cũ được cải tạo như một con thuyền. Tất nhiên, phải nhiều giải pháp kỹ thuật được triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho tòa nhà cũ… Trong bức ảnh chụp từ xa khi việc cải tạo đã hoàn thành, cả khối kiến trúc trông như một chiếc thuyền buồm đang mạnh mẽ ra khơi. “Sở dĩ người dân chọn hình chiếc thuyền buồm vì đây là thị trấn ven biển, đại đa số người dân sống bằng nghề chài lưới” - kiến trúc sư Karl Anthoni nói.
Kinh nghiệm cho TPHCM
Kiến trúc sư Trương Trung Kiên, Trưởng phòng Quản lý Khu trung tâm thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM nhận xét, phương thức mà hai kiến trúc sư Bỉ đề xuất vừa giúp lưu giữ ký ức và giúp tiết kiệm vật liệu xây dựng. Đó chính là cách bảo tồn hướng tới phát triển xanh.
Tại TPHCM nói chung và tại khu vực trung tâm thành phố nói riêng, cũng có một số công trình được lưu giữ lại theo cách giữ lại cơ bản khung kiến trúc cũ và chỉ nâng cấp, chuyển đổi công năng cho công trình. Tuy nhiên, phần lớn các công trình kiến trúc cũ thường bị đập bỏ đi hoàn toàn và thay vào đó là công trình mới. Một số công trình mới có cố gắng lưu giữ lại dấu ấn xưa bằng cách tái hiện lại một vài điểm nhấn kiến trúc độc đáo cũ. Đây cũng là một trong những phương thức bảo tồn nhưng nếu so với xu hướng bảo tồn mới mà nhiều nước đang áp dụng như trình bày của hai kiến trúc sư Bỉ, cách bảo tồn này mới đảm bảo được một yếu tố: lưu giữ ký ức. Những kiến trúc cũ đã xuống cấp về mặt kết cấu công trình, phá bỏ là việc phải làm song việc này rất khác với việc, cứ công trình cũ, sẽ bị đập bỏ.
Theo kiến trúc sư Lý Khánh Tâm Thảo, Phó trưởng phòng Quản lý Hạ tầng thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, thành phố hiện đang bảo vệ khá tốt các công trình kiến trúc có giá trị, được xếp hạng di sản. “Thế nhưng, những công trình kiến trúc có giá trị, chưa đủ điều kiện xếp hạng di sản còn đang trong quá trình hoàn thiện quy định chung về bảo tồn. Không chỉ có các kiến trúc thời Pháp mà những công trình kiến trúc có giá trị thời chính quyền Sài Gòn và ngay cả những công trình kiến trúc được xây dựng sau năm 1975 có giá trị cũng được xem xét gìn giữ” - kiến trúc sư Lý Khánh Tâm Thảo cho biết quan điểm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. TPHCM có hội đồng quy hoạch kiến trúc và hội đồng này sẽ xem xét, tham mưu cho thành phố trước mỗi quyết định về xây mới hoặc cải tạo các công trình kiến trúc có giá trị.
Hội thảo kết thúc mở… thế nhưng, ý tưởng bảo tồn không chỉ là gìn giữ di sản mà còn là sử dụng hiệu quả chúng. Bảo tồn đi đôi với sử dụng tiết kiệm vật liệu xây dựng hướng tới phát triển xanh như nhiều đại biểu tham dự hội thảo nhận xét, rất đáng để TPHCM tham khảo và triển khai rộng rãi trên thực tế. So với nhiều nước và nhiều thành phố trên thế giới, TPHCM còn gặp không ít khó khăn về kinh tế. Hơn nữa TPHCM còn là một trong những thành phố được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc sử dụng tiết kiệm vật liệu xây dựng hướng tới tăng trưởng xanh nên là một trong những ưu tiên về phát triển đô thị của thành phố.
NGUYỄN KHOA