Hiện nay, nguồn nước tại TPHCM đang bị suy giảm cả về chất lượng và số lượng do việc khai thác, sử dụng không hợp lý. Điều này đã và đang ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Để hạn chế tình trạng này, tái sử dụng nước thải đang được xem là một giải pháp hữu hiệu và phù hợp với thành phố.
Lãng phí nghiêm trọng nguồn nước sạch
PGS-TS Nguyễn Phước Dân (Trường Đại học Bách khoa TPHCM) cho biết, việc sử dụng nguồn nước cấp trong hầu hết các hoạt động xã hội mà không có sự phân loại cũng được xem như là sử dụng nước sạch chưa hợp lý, gây lãng phí. Cụ thể, thay vì sử dụng nguồn nước có chất lượng thấp hơn, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn sử dụng nguồn nước cấp sinh hoạt để làm mát, tưới cây hoặc vệ sinh nhà xưởng, giặt giũ... Chưa hết, việc có đến 60%/tổng lượng nước cấp sinh hoạt là cung cấp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp mà không được phân loại đã góp phần đáng kể gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân.
Tại nhiều nơi như: Thủ Đức, Cần Giờ, Nhà Bè… người dân không có nước sạch được cấp để dùng hoặc phải mua nước sạch với giá đắt gấp nhiều lần giá nhà nước quy định. Thậm chí, họ còn phải sử dụng nguồn nước ngầm vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Không dừng lại đó, tình trạng xuống cấp nhưng chưa được cải tạo kịp thời của hệ thống đường ống dẫn nước khiến cho lượng lớn nước sạch bị thất thoát. Hiện nay, TPHCM có khoảng 3.400km đường ống cấp nước các loại, trong đó khoảng 30% đường ống đã cũ, có thời gian sử dụng trên 30 năm, dễ mục vỡ.
Trên thực tế, khối lượng nước ngọt khai thác trên sông Đồng Nai, Sài Gòn và hồ Trị An, Dầu Tiếng để cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho TPHCM và 10 tỉnh, thành khác đang tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Cụ thể, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, lưu lượng nước khai thác tại sông Đồng Nai và hồ Trị An tăng từ 33m³/giây lên 51m³/giây; sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng tăng từ 21m³/giây lên 33m³/giây. Hiện cùng với áp lực dân số tăng cao, lưu lượng nước ngọt cần khai thác trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ còn tiếp tục tăng hơn rất nhiều. Chỉ có điều, đáng lo ngại là chất lượng cũng như số lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai đang tỷ lệ nghịch với nhu cầu khai thác. Trong 3 năm trở lại đây, tình trạng hạn hán, ô nhiễm và xâm nhập mặn tại hệ thống sông này đã và đang khiến cho nhiều nhà máy nước phải ngưng lấy nước thô vào những thời điểm nhất định vì không đạt yêu cầu nước sạch.
Cần tính đến giải pháp tái sử dụng nước thải
Để giảm chỉ số áp lực khai thác nguồn nước ngọt từ 22% xuống khoảng 20% (hiện nay) và 15% vào năm 2025, TPHCM cần giảm lượng nước ngọt khai thác khoảng 0,4 triệu m³/ngày và 1,3 triệu m³/ngày. Giải pháp khả thi nhất là phân loại theo hướng đa dạng nguồn nước cấp phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng. Trong đó, ngoài việc cung cấp nguồn nước sạch thì thành phố cần tính đến giải pháp tái sử dụng nguồn nước thải.
Ông Nguyễn Cảnh Lộc, Trưởng phòng Tổng hợp - tín dụng, Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM cho biết, tái sử dụng nước thải sẽ góp phần đa dạng nguồn nước cấp, giảm bớt gánh nặng cho ngành cấp nước lại vừa tận dụng và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước ngọt. Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp cũng có nhiều sự lựa chọn đối với sản phẩm nước cấp, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng khác nhau, giúp giảm giá thành nguyên liệu đầu vào, góp phần tăng giá trị cạnh tranh cho sản phẩm. Quan trọng hơn, tận dụng đáng kể nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất để chuyển vào tái sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
PGS-TS Nguyễn Phước Dân cho biết thêm, tiềm năng tái sử dụng nước thải ở TPHCM rất lớn. Cụ thể, tái sử dụng nước thải làm nước cấp cho hoạt động rửa đường, tưới cây, tưới mảng xanh, nước dội toilet và giặt giũ, nước làm mát, phục vụ sản xuất hoặc cấp nước cho nồi hơi trong công nghiệp, nông nghiệp, cảnh quan du lịch. Nếu thành phố có chính sách hợp lý khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng mục đích cấp thấp, thì có thể tiết kiệm đến 1 triệu m³ nước sạch/ngày và giảm chi phí khoảng 10 tỷ đồng/ngày mà thành phố phải bỏ ra để xử lý nước sạch.
Quan trọng hơn, thành phố sẽ chủ động được nguồn nước khai thác trong những ngày hạn hán, giảm thiểu sự phụ thuộc của việc cấp nước từ các hồ đầu nguồn như Trị An, Dầu Tiếng, giảm thiểu sự ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.
Hiện có nhiều công nghệ tái chế nước thải đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng tùy vào mục đích sử dụng. Đơn cử như công nghệ than hoạt tính sinh học kết hợp với lọc cát sinh học. Nguồn nước xử lý có thể đạt được chất lượng nước tái sinh cho đối tượng sử dụng nước có chất lượng thấp như dội rửa toilet, tưới cây xanh. Hay là công nghệ sử dụng màng lọc thẩm thấu. Nước sau xử lý hoàn toàn đạt chất lượng nước tái sinh cao có thể phục vụ cho các hoạt động dịch vụ, công nghiệp như nồi hơi, làm mát, vệ sinh trang thiết bị, tái nạp tầng nước ngầm phục vụ cho cấp nước sinh hoạt… Vấn đề còn lại là TPHCM cần có chính sách ưu đãi, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tái chế nước thải.
Đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM cho biết thêm, để khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM sẽ có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi 6%/năm và thời gian cho vay tối đa là 7 năm để các doanh nghiệp xây dựng đầu tư những dự án cải thiện chất lượng môi trường.
MINH HẢI