Chứng chỉ quỹ: Đi tìm sự nhìn nhận

Niêm yết trên TTCK từ lâu, nhưng chưa bao giờ chứng chỉ quỹ (CCQ) gây được thiện cảm với NĐT. Ít sóng, giá bèo, kinh doanh kém hiệu quả là những yếu tố khiến CCQ ngày càng xa cách với thị trường. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ban lãnh đạo các quỹ dường như cũng không muốn người khác mua CCQ của mình.
Chứng chỉ quỹ: Đi tìm sự nhìn nhận

Niêm yết trên TTCK từ lâu, nhưng chưa bao giờ chứng chỉ quỹ (CCQ) gây được thiện cảm với NĐT. Ít sóng, giá bèo, kinh doanh kém hiệu quả là những yếu tố khiến CCQ ngày càng xa cách với thị trường. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ban lãnh đạo các quỹ dường như cũng không muốn người khác mua CCQ của mình.

  • Những nghịch lý

Từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11-2010, VFMVFA (Quỹ đầu tư Năng động Việt Nam - VFA) đã có một đợt tăng giá từ 7.200 đồng/CCQ lên 8.900 đồng/CCQ, tương đương tỷ lệ 24%. Cũng trong thời gian này, VN Index chỉ dao động trong khoảng 440-450 điểm, nhiều CP thậm chí còn giảm giá 20-30%.

Xét trên thị giá, VFA đã vượt trội so với biến động của thị trường, nhưng thực tế lại không phải như vậy. VFA tăng giá với thanh khoản rất nghèo nàn, có phiên chỉ có 20 CCQ được giao dịch, phiên kha khá cũng chỉ 8.000-9.000 CCQ khớp lệnh. Thanh khoản là tiêu chí hàng đầu để NĐT lựa chọn CP, nên với thanh khoản như của VFA sẽ rất khó thu hút được đông đảo NĐT.

VFA đặt ra mục tiêu nắm bắt xu hướng tăng trung - dài hạn của TTCK Việt Nam song song với mục tiêu bảo toàn vốn khi thị trường diễn biến không thuận lợi dựa trên mô hình đầu tư theo xu hướng. Nhưng nếu bỏ tiền ra mua CCQ này với giá 1.0, với giá hiện nay 0.8 coi như lỗ mất 20%, vậy thử hỏi tiêu chí bảo toàn vốn là như thế nào?

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, VFMVF1 (Quỹ đầu tư CK Việt Nam - VF1) đóng cửa tại các mức giá 1.0, NAV đạt 21.231 đồng/CP; VFMVF4 (Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam - VF4) đóng cửa tại các mức giá 0.5, NAV đạt 8.674 đồng/CP. Như vậy, bỏ 1.0 ra mua VF1 sẽ sở hữu đến 2.0 tài sản, có nghĩa mua 1 tặng 1, có thể xem là “quá rẻ”. Nhưng không phải mới đây CCQ mới rẻ, mà đã kéo dài từ rất lâu rồi.

Niêm yết trên TTCK từ lâu, nhưng chưa bao giờ chứng chỉ quỹ gây được thiện cảm với NĐT. Ảnh: TUẤN ANH

Niêm yết trên TTCK từ lâu, nhưng chưa bao giờ chứng chỉ quỹ gây được thiện cảm với NĐT. Ảnh: TUẤN ANH

Cách đây không lâu, một vị lãnh đạo của VFM (CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam, đơn vị quản lý cho VF1 và VF4) đã trả lời báo chí rằng việc CCQ bị thị trường chiết khấu với tỷ lệ khá cao (thị giá thấp hơn nhiều so với NAV) là chuyện của nhiều quỹ đóng, không riêng gì tại Việt Nam. Việc thị giá thấp hơn NAV có thể xem là một yếu tố quan trọng để nói rằng CCQ “rẻ”, nhưng nếu căn cứ theo lời giải thích đó yếu tố rẻ này cũng chẳng còn ý nghĩa gì và như vậy, NĐT lấy gì để có thể định giá cho CCQ nếu muốn mua.

Những ngày gần đây thị giá của PRUBF1 (Quỹ đầu tư cân bằng Prudential - BF1) biến động khá mạnh, KLGD cũng được cải thiện đáng kể đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Theo lý giải từ một số NĐT, BF1 với thế mạnh về đầu tư trái phiếu nên khi lãi suất đang tăng thì đầu tư trái phiếu cũng có lợi hơn, nên CCQ nhờ đó mà tăng giá.

Nhưng thực tế lãi suất tăng cũng có nghĩa là trái phiếu của BF1 mua trước đây sẽ có lãi suất thấp hơn trái phiếu trong thời gian sắp tới và đây không phải là điều tích cực. Tính đến cuối quý III, BF1 đang nắm giữ 35,72 tỷ đồng, tương đương 8,5% giá trị tài sản ròng, một con số không phải quá lớn để có thể tận dụng cơ hội CP giá rẻ hoặc trái phiếu với lãi suất cao để mua vào.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, MAFPF1 (Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife - PF1) đóng cửa tại mức giá 3.800 đồng/CCQ. Trong 5 CCQ niêm yết, có lẽ PF1 bị xem là xa rời với NĐT nhất. Trừ dân trong ngành CK, không mấy ai biết quỹ này hoạt động như thế nào, đầu tư ra sao. Giá của CCQ này thậm chí còn rẻ hơn cả một bó rau nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Dường như cả BF1 và PF1 niêm yết nhưng lại không cần NĐT quan tâm. Những ai bỏ tiền ra mua BF1 và PF1 với mệnh giá 10.000 đồng/CCQ và nắm giữ đến bây giờ đã lỗ nặng, còn mua vào CCQ vào lúc sau cũng chẳng có lãi. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá của PF1 giảm gần 40%.

  • Mục tiêu thâu tóm

Thời gian gần đây, xuất hiện một số tin đồn về việc có ít nhất 2 quỹ đầu tư đang niêm yết CCQ rơi vào tầm ngắm thâu tóm. Năm ngoái, Indochina Capital Vietnam Holdings Limited (ICV) đã bị thâu tóm vì lý do thị giá của CCQ quá thấp so với NAV, nhưng tỷ lệ cũng chưa đến 50%. Như vậy, nếu căn cứ vào tỷ lệ giá/NAV của 5 CCQ hiện nay, có thể thấy đây sẽ là miếng mồi béo bở đối với các nhóm đầu cơ.

Nếu một tổ chức ra tay mua đơn lẻ một CP nào đó, có thể đẩy giá CP đó tăng mạnh, kể cả trong lúc thị trường lình xình như hiện nay. Chính vì vậy, mua lại một quỹ đầu tư có thể giúp các đối tượng thâu tóm sở hữu một danh mục giá rẻ. Hiện tại, trên TTCK Việt Nam, số công ty quản lý quỹ lên đến vài chục, không nhiều công ty gọi vốn thành lập quỹ. Nhiều công ty quản lý quỹ chỉ nhận ủy thác đầu tư cho các đại gia, hoặc thậm chí đi làm môi giới.

Chính vì vậy, nhu cầu thành lập quỹ vẫn có và thay vì phải gọi vốn, có thể chọn cách đi thâu tóm các quỹ khác. Nhiều quỹ đầu tư cũng có thể sử dụng biện pháp thâu tóm. Điển hình là trường hợp của quỹ đầu cơ VR Capital của Nga cách đây vài tháng đã có ý định gom mua CCQ của các quỹ do Dragon Capital quản lý, sau đó đề xuất giải thể quỹ nhưng bất thành. Cũng không loại trừ nguyên nhân các công ty quản lý hoặc các cổ đông đã “chán” quỹ của mình lập ra, nên chỉ cần có một đối tác ra cái giá hợp lý, một thương vụ “sang tay” có thể diễn ra.

Một điều chắc chắn việc thâu tóm không chỉ được thực hiện thông qua mua CCQ ngoài sàn, mà còn phải thương lượng với các cổ đông lớn của quỹ, đây là vấn đề không đơn giản. Trước tiên, các đối tượng thâu tóm cần phải nắm giữ với tỷ lệ 25%, đủ để có quyền phủ quyết tại ĐHCĐ, rồi sau đó mới có thể tiến đến sở hữu trên 75% để chi phối quỹ.

Nhìn từ trường hợp của các CTCK, nhiều CTCK hiện giờ gần như tê liệt hoạt động, nhưng khi có các đối tác đề nghị mua lại, các ông chủ đều hét giá trên trời. Chính vì vậy, để thương lượng với các cổ đông lớn là điều rất khó. Không như tại nước ngoài xem chuyện thâu tóm là bình thường, tại TTCK Việt Nam nếu có thêm một vụ thâu tóm, nhất là trong hoàn cảnh thị trường không thuận lợi như hiện nay, có thể gây ra không ít hệ quả xấu và tác dụng ngược với chính các cổ đông lớn của quỹ.

Đối với các quỹ đầu cơ muốn thâu tóm cũng không hề đơn giản, vì đã mua vào sẽ phải có lúc bán ra. Nếu mua phải một danh mục đầu tư không hiệu quả, khi bán ra sẽ bị thiệt hại lớn. Trong trường hợp thâu tóm chỉ để có thêm quỹ để quản lý nhằm thu thêm phí, các công ty quản lý quỹ cũng sẽ phải cân nhắc. Với việc các quỹ đầu tư liên tục thua lỗ trong thời gian vừa qua, các cổ đông sẽ siết rất chặt việc trả phí cho các nhà quản lý. Nếu quản lý không hiệu quả, công ty quản lý quỹ không những không có phí mà còn có thể bị mất uy tín trên thị trường và còn có nguy cơ bị các quỹ khác thâu tóm lại.

Mặc dù nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả, nhưng tài sản của những người quản lý quỹ lại tăng lên. Đây là vấn đề gây bức xúc từ lâu đối với các NĐT. Chính vì vậy, không ít NĐT khi được hỏi về việc có ủng hộ quỹ bị thâu tóm hay không, nhiều người đã nhanh chóng trả lời là có. Điều này nếu xảy ra, chưa cần nói đến việc quỹ bị thâu tóm hay được người khác quản lý như thế nào nhưng ít ra cũng đem ra hiệu ứng tích cực cho thị trường.

Việc đầu tiên có thể kể ra ở đây là các CCQ trên thị trường sẽ “nổi sóng”, từ đó tạo ra cơ hội cho các NĐT. Nếu có một quỹ bị thâu tóm, các quỹ còn lại cũng sẽ phải nỗ lực hoạt động hơn để tránh rơi vào vết xe đổ, như vậy các cổ đông của quỹ cũng được hưởng lợi. Bên cạnh đó, các quỹ đẩy mạnh hoạt động cũng có thể tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường, như tăng thanh khoản, nhiều CP tốt được trở về với giá trị thực.

THÁI CA

Tin cùng chuyên mục